Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Cây sa hương huyền bí
Cây sa hương huyền bí

Xuân mở mắt, ngồi dậy. Hang đá nhờ nhờ tối, ẩm ướt. Mùi lá thúc bần hắc hắc vẫn bám vào quần áo nó. 
Tiếng đập cánh của bầy rơi vọng ra. Cú trượt chân ngã lúc trước do bước hụt lên tảng đá đã làm cho mé người bên phải nó đau ê ẩm. Cánh tay cầm cây gậy chống dò đường muốn rời rã. Nhưng nghĩ đến chị Nguyệt, Xuân cố bước những bước ngắn.
Càng vào sâu bên trong, hang càng rộng. Dòng suối nhỏ lượn men theo vách đá. Giữa hang có những tảng đá phẳng phiu, đó là nơi làm việc của chị Nguyệt.
Hồi mới tìm thấy cái hang này, chị Nguyệt đã dẫn Xuân vào một lần. Những mẫu đất, cát, túi lá, chậu cây rải rác khắp hang. Chị bảo đây sẽ là phòng làm việc của chị. Từ vườn chè nhà Xuân, men theo lối mòn ven chân đồi, ra đây chỉ chừng nửa giờ. Chị có thể làm việc cả ngày không bị ai quấy rầy. Công trình chị đang nghiên cứu có nơi đánh tiếng muốn mua bản quyền. Chị Nguyệt chỉ cười. Ngắm chị, lòng Xuân đầy ngưỡng mộ. Chỉ trong ba tháng nghiên cứu đề tài tốt nghiệp, chị Nguyệt đã cho ra đời một loại lan đột biến làm xôn xao thị trường hoa lan. Loại hoa có năm cánh trắng muốt mong manh giống phi điệp, hương thơm ngọt ngào như hoàng nhạn tháng tám, nở đẫy bốn tháng tựa hồ điệp, chị đặt tên là lan tứ nguyệt. Người ta đã mời chị về một trung tâm nghiên cứu, nhưng chị lắc đầu. Chị thích được tự do với tình yêu cây cối của mình.
Khám phá ra cái hang đá này chị thích thú vô cùng. Lúc Xuân ngồi nghịch dải cát vàng bên suối, chị đã chỉ cho xem những mặt đá phẳng phiu to, nhỏ sẽ là bàn làm việc của chị. Nếu trời nắng, hang không quá tối. Chỉ cần một cái ắc quy đầy điện là mấy bóng đèn có thể sáng trưng. 
Xuân tìm thấy ắc quy, bèn bật công tắc. Hang sáng lên. Nó bước tới một bàn đá, trên đấy có mấy chậu cây mi ni. Chiếc khăn len đen của chị vắt trên phiến đá nhỏ vẫn còn phảng phất hơi người. Thùng đựng rác đổ vung vãi. Có thể lũ chuột đã mò vào. Một cái cây chỉ cao hơn gang tay dáng thác đổ trong chậu nhỏ. Màu xanh của lá cây thẫm lại. Xuân vừa cúi xuống nhìn, những chiếc lá bỗng lay động. Cô bé thoáng ngạc nhiên, khẽ chạm tay vào phiến lá, cả cành con rung lên. Hương thơm bỗng tỏa ra. Xuân nhận ra, đây chính là cây sa hương. Chị Nguyệt từng kể cho Xuân nghe trong một tối hai chị em ra vườn chè ngắm trăng. Thứ cây chạm vào là phát mùi thơm. Hẳn là cây sa hương còn có nhiều điều huyền bí khác mà chị đang nghiên cứu. Xuân đã gật đầu hứa với chị sẽ không nói cho ai về bí mật này. Cũng như ngày trước đã hứa không cho ai biết cái hang, kể cả bố mẹ. Xuân còn nhỏ, chưa hiểu hết được công trình nghiên cứu của chị nhưng giọng nói thì thầm mà đanh, đôi mắt thăm thẳm của chị cũng đủ cho nó hiểu những điều chị đang làm rất quan trọng, giữ bí mật sẽ giúp công trình của chị sớm về đích. Và nó mơ tới một chuyến ra biển chỉ có hai chị em. Giống như sau khi chị khai sinh ra loài lan tứ nguyệt kia.
Nhưng đã hai ngày nay chị Nguyệt biến mất. Người trong xóm đi nương phát hiện ra chiếc xe đạp của chị rơi giữa luống ngô, phía trên kia là con đường lưng núi có khúc cua gấp. Mẹ Xuân khóc đến sưng mắt. Bố thì ngồi thu lu ở góc giường. Chị Nguyệt đi xe đạp đường núi từ năm bảy tuổi, Xuân không tin là chị có sơ suất khi đi đến khúc cua tay áo kia.
Ngực Xuân bỗng nóng ran. Đôi chân bủn rủn. Xuân ngồi xuống ghế đá chỗ chị Nguyệt hay ngồi. Chị Nguyệt không thể bị rơi xuống vực như mọi người nghĩ. Chị có thể bị bắt cóc. Người lớn vẫn kể mấy chuyện bắt cóc trẻ con, phụ nữ qua biên giới bán. Nhưng chị Nguyệt không phải là đối tượng ấy. Trong cái đêm ngắm trăng giữa đồi chè, Xuân đã sợ về muộn biết đâu có kẻ nấp ngoài kia vào bắt cóc hai chị em thì sao, chị Nguyệt còn bảo: 
- Bọn bắt cóc chúng đều chọn đối tượng và theo dõi. Ít có chuyện ngẫu nhiên lắm. 
- Thế thì mình đi lên cao ngắm trăng cho rõ đi. 
- Sương nặng hạt rồi. Đi tiếp về khuya đấy.
Xuân đùa: 
- Chị sợ bị bắt cóc bán qua biên giới chứ gì? 
- Chị không sợ cái đó. Nhưng chị cũng có thể là đối tượng bị bắt cóc vì mục đích khác. 
- Mục đích gì?
Chị Nguyệt cầm tay Xuân dắt đi: 
- Mục đích của chúng chính là cây sa hương chị đang nghiên cứu. Mấy hôm nay chị thấy có vết chân lạ sau vườn.
Xuân lo lắng: 
- Chị đừng đi đâu một mình. 
- Cái đấy rất khó. Em phải giữ bí mật cái hang đấy. Cả cây sa hương nữa.
Nghe giọng chị Nguyệt thì thào, Xuân gật đầu. Dưới trăng nhìn chị Nguyệt càng xinh đẹp. Có mùi thơm lạ thoảng lên: 
- Mùi thơm gì đấy nhỉ? 
- Em ngửi thấy à? Hay hương chè? 
- Không, mùi này lạ, lúc thoảng lúc đậm.
Chị Nguyệt cúi sát đầu xuống đầu Xuân. Xuân nhận ra mùi hương từ người chị.
- Sa hương đang ướp lên chị đấy. Sau này sẽ còn thơm hơn. 
- Có phải mùi hương làm cho chị xinh đẹp hơn?
Chị Nguyệt vui vẻ cười: 
- Em nhận thấy thế à?
Xuân gật đầu: 
- Chị còn trẻ ra. Mặt chị không đăm đăm như mặt bà già khó tính nữa. 
- Đấy chính là bí mật. Bất kể người phụ nữ nào cũng thích tỏa mùi hương và trẻ đẹp mãi. Quả sa hương sẽ giúp chị làm được việc đó.
Lúc ấy, Xuân chưa hiểu gì nhiều về những điều chị nói.
Cây sa hương vẫn còn trong hang, điều đó chứng tỏ bọn chúng vẫn chưa biết chỗ này. Xuân chạm tay vào một hõm sâu dưới phiến đá, phát hiện ra quyển sổ ghi chép của chị Nguyệt cất trong đó. Lướt qua phần nhật ký thứ nhất có tên lan tứ nguyệt, Xuân đọc phần thứ hai, sa hương huyền bí. Có thể chị vừa làm vừa tranh thủ viết, giữa những dòng chữ nguệch ngoạc có những hình vẽ minh họa vội vàng. Xuân đọc rất nhanh.
Một lần đi sâu vào trong khu rừng bảo tồn quốc gia tìm loại cây mới, chị Nguyệt đã gặp một người đàn ông đi lấy mật ong rừng do sơ suất bị cả một đàn ong khoái tấn công. Chị vội đốt lửa hun khói, gọi người đàn ông lại. Gặp khói bầy ong bay tứ tán. Chị phủ cho người đó tấm dù. Những vết ong đốt làm mặt mũi, chân tay người đàn ông sưng đẫn. Chị Nguyệt cho thuốc để người đàn ông xoa vào vết thương. 
Chỉ về dãy núi cao trước mặt, chị hỏi về loài cây thân nhỏ nhưng già như gỗ lũa, có quả tím, tỏa hương thơm, sống trong hang động. Người đàn ông tên Hồ Tơm bảo, cái hang trên núi Mây giờ không ai biết ở đâu nữa. Cây lũa quả tím ấy chính là cây sa hương. Cha ông ấy leo lên dãy núi kia, tìm thấy cái hang, lấy được cây ấy về đến nhà thì người dần cứng đơ, lạnh toát như đá. Thầy cúng bảo cây sa hương đã thành tinh. Sau khi chôn cất cha, Hồ Tơm không dám động vào cây ấy. 
Cây sa hương được trồng trong cái chậu nhỏ để tận cuối vườn. Những bụi cây leo dại mọc lên chùm giống như một mái lều. Dáng cây trông khắc khổ như một dòng thác đổ đang cạn nước. Toàn thân cây quắn, xám lại, có những chỗ lũa như đã cả mấy trăm tuổi. Những tầng lá xanh co lại, rũ xuống, muốn lìa khỏi cành. Chị Nguyệt chạm vào tán lá. Cành cây rung lên bần bật. Một hương thơm ngai ngái tỏa ra. 
Chị Nguyệt hỏi mua cây. Hồ Tơm không đòi giá. Khi chị Nguyệt đếm hết những tờ tiền trong túi đưa cho, Hồ Tơm chỉ lấy một nửa để ra chợ mua con gà trống tơ, mua rượu về thắp hương cho cha. Hồ Tơm còn hỏi “mang sa hương về không sợ đóng đá chết à?”. Chị Nguyệt lắc đầu.
Sau hai tháng nghiên cứu, chị Nguyệt phát hiện ra, cây không ưa nắng, chỉ cần mỗi tháng đưa cây ra ngoài phơi nắng một sáng là đủ. Để cây trong hang đá, cây mỗi ngày một đanh lại. Cành rụt rịt, sần sùi, nâu mốc, tán lá xanh thẫm, ngọn đổ xuống mềm mại như dòng thác mỏng. Đặc biệt mùi hương nồng nàn hơn. Mỗi khi chị Nguyệt chạm tay vào cây, mùi thơm phát ra như ngấm vào da thịt chị. Nếu chị không đi dưới trời nắng thì mùi thơm ấy đọng rất lâu.
Cây sa hương đã ra quả đầu tiên khi ở trong hang. Quả tròn nhỏ, khi chín tím thẫm như quả dâu ta, mùi thơm dịu. Chị đã ăn quả đó. Sau vài ngày, cơ thể chị biến đổi kỳ lạ. Đôi má căng hồng, làn da trắng dần lên, bắp tay tròn lẳn,... người chị tỏa ra mùi thơm. Chị hạn chế đi ra ngoài. Nếu phải đi từ nhà ra đây, chị đi từ tờ mờ sáng đến tắt mặt trời chị mới trở về. Người chị mặc áo choàng kín từ đầu xuống chân.
Cứ ba tháng, cây sa hương lại ra lứa quả mới. Chị Nguyệt đang đợi lứa quả này. Chị ngồi bên cây nhiều hơn, chạm tay vào cành lá của nó vuốt ve nhiều hơn. Mùi hương của cây ướp sang chị.
Một ngày nào đó, từ quả sa hương chị sẽ bào chế ra loại thuốc Trường Xuân Hương cho chị em phụ nữ. 
Xuân ngỡ ngàng, rời mắt khỏi trang giấy, nhìn chăm chú cây sa hương. Từ một kẽ lá ngay tán thứ ba, đã nhú ra một quả tím bé như hạt ngô, xung quanh có ba cái tua rua bao lấy. Thêm một quả dưới tán lá thứ hai. Xuân giật mình. Nó chạm tay vào gốc cây lần nữa, rồi khẽ vuốt ve từ dưới lên đến ngọn. Mùi thơm lại tỏa ra. Quả sa hương đã nhỉnh hơn một chút.
Xuân phát hiện ra bí mật của cây sa hương. Sa hương lớn bằng sự vuốt ve của bàn tay con người.
Xuân linh cảm thấy điều bất ổn sẽ đến với người nào có cây sa hương. Nó lật vội vài trang.
Tới một trang vẽ vội mặt người với những nét gạch xóa, bên cạnh là dòng chữ xiêu xiêu, có thể chị Nguyệt viết vội lúc tâm trạng bất an: “Gã theo dõi mình sau khi mình ra khỏi Trung tâm UMH. Cái dáng bé choắt, lẩn lút sau những bụi cây. Đến chợ Gồ, mình đã làm cho gã mất dấu”.
Xuân ôm cuốn sổ vào lòng. Chị Nguyệt không thể rơi xuống vực. Chị biết mình bị theo dõi. Chị đã bị bắt cóc. Có người biết được bí mật về công trình nghiên cứu của chị, họ muốn chiếm đoạt bằng cách bắt cóc chị.
Một mùi hăng hắc bỗng bay vào trong hang. Mùi của bụi cây thúc bần trước cửa hang. Mùi ấy đã bám vào quần áo Xuân lúc Xuân lách qua để vào hang. 
Đã có kẻ nào đó đang dò đến cửa hang. Tim Xuân bỗng đập mạnh. Cất vội cuốn sổ vào túi áo trong, Xuân với chiếc khăn len chùm lên chậu sa hương, ôm lấy, chạy nấp vội vào một ngách hang. Nhưng chợt nhớ lời chị Nguyệt dặn, đấy là nhánh cụt, nó lại men theo mấy tảng đá to, nấp giữa hai khe hở. Nỗi sợ hãi làm cho Xuân gần như nín thở. Nó sợ bị họ tóm. Sợ bị mất cây sa hương. Sợ không cứu được chị Nguyệt.
Người đàn bà đội khăn đen đi trước. Phía sau là người đàn ông, tay cầm con dao dài. Quần áo họ đều dính rêu đất. Người đàn bà nhìn khắp hang, soi mói lên những chậu ươm cây, những bọc cành, rễ. Người đàn ông lục lọi mấy thùng gỗ. Mắt ông ta sục sạo, mũi hít hít: 
- Mùi cây sa hương còn phảng phất. 
- Nó chưa thể đi xa.
Người đàn bà lia đèn pin vào các vách đá. Ánh đèn dừng lại trước cái ngách nhỏ trong hang. Một chiếc khăn tay rơi trước cửa hang, người đàn ông ra hiệu. Họ khom người, men theo.
Xuân vội rời khỏi chỗ nấp, chạy ngược ra phía cửa hang. Những mỏm đá nhọn hoắt lổng chổng đâm vào chân nhưng nó không bị ngã như lúc trước nữa. Không biết có sức mạnh kỳ lạ nào đã giúp nó không vấp ngã trong khi trên tay vẫn ôm bọc khăn len có cây sa hương. Người nó dần nóng bừng. Những bước chân gấp gáp, vội vã, soải dài. Mùi thơm đang tỏa ra từ người nó.
Ra tới cửa hang, Xuân chui qua những bụi thúc bần rậm rạp. Lá thúc bần cọ vào mặt nó rát ngứa. Con đường mòn phía trước sẽ dẫn nó về nhà.
Bỗng Xuân nghe rõ tiếng bước chân đuổi theo nó mỗi lúc một gần. Bụi thúc bần lay động phía sau. Xuân cố chạy. Nhưng bước chân của nó không còn mạnh mẽ như lúc ở trong hang. Mùi thúc bần hắc hắc đã ám lên người nó, chèn át mùi sa hương. Lúc chui mình qua bụi thúc bần cuối cùng thì người đàn ông trong hang đã đứng chặn trước mặt nó. Nó vội vã quay đầu lại. Thì người đàn bà đã đứng phía sau. 
Gã đàn ông tiến lại, tay vẫn cầm con dao: 
- Đừng chạy nữa! Vô ích thôi. Hãy đưa cho tôi vật cô đang cầm trên tay.
Xuân lùi sang ngang: 
- Cái khăn này của chị tôi. 
- Tôi lấy cái cây sa hương bên trong! 
Giọng Xuân run run: 
- Làm gì có cây nào! 
- Có đấy, cứ đưa đây mau! 
- Các người đã bắt cóc chị tôi? Chị tôi đâu? 
- Cô trả chúng tôi cây sa hương, chị cô sẽ quay về. 
- Cây này chị tôi mua về. Không phải của các người. 
Gã đàn ông giơ dao chém một cành thúc bần uy hiếp tinh thần Xuân: 
- Chị cô đã mua nó từ một người vào hang trên núi Mây trộm cây. 
Người đàn ông tự nhận, cây đấy của mẹ họ để lại. Bà ấy biết rõ tích truyện cổ về cây sa hương trong hang động trên đỉnh núi Mây cao nhất vùng, đã bỏ nhà vào hang đá tu luyện bên cây sa hương để mong được trường sinh bất lão. Chẳng ngờ trước một lần nhập thiền bên gốc cây sa hương, bà ăn tới ba trái sa hương nên linh hồn đã bay lơ lửng qua chín tầng mây không thể quay về được. Lúc hai người con lên thăm chỉ còn một bộ xương khô. Cây sa hương đã bị đánh mất. Họ đi tìm cây đã lâu. Cho đến một hôm, đang đi giữa chợ, họ ngửi thấy mùi sa hương thoảng ra từ người con gái mặc áo choàng chống nắng kín mít, và họ lần theo.
Xuân nhìn ngang nhìn ngửa, xung quanh đều là thúc bần. Phía trước vẫn là gã đàn ông cầm con dao. Phía sau là người đàn bà. Xuân quay sang trái vùng chạy. Mùi thúc bần làm cho bước chân nó rệu rão. Người đàn bà vừa đuổi vừa hú một tiếng dài. Tiếng hú làm cho những cành thúc bần tựa như mọc dài ra, níu bước chân Xuân lại. Bỗng, những cành lá như rách toác ra, dáng chị Nguyệt hiện lên phía trước. Xuân tưởng mình bị hoa mắt, nó dụi dụi mắt. Bên gốc thúc bần lớn, chị Nguyệt đang bị trói chặt. Những sợi dây non thúc bần đang quấn xiết lên người chị. Xuân định chạy đến.
Gã đàn ông vung dao chém gió trước mặt Xuân: 
- Chị cô bé đấy. Thế có muốn đánh đổi không?
Xuân ứa nước mắt. Đôi chân tưởng khụy xuống. 
- Ông phải thả chị tôi ra!
Gã đàn ông cười man dại: 
- Ta nói vậy chứ, cả cây sa hương, cả hai chị em cô bé đều trong vòng tay chúng ta hết rồi. 
Chị Nguyệt nhìn thẳng vào mắt Xuân, giọng chị đanh lại: 
- Chị đợi hai năm nay mới đến cái khoảnh khắc sa hương cất cánh. Em hãy mở ra, ngắt quả sa hương ăn với lá thúc bần, em sẽ trường xuân, trường phúc, trường sinh. Em sẽ bay lên với cây sa hương. 
Xuân ngạc nhiên. Lời chị như thôi miên. Nó lóng ngóng mở khăn. Nhưng nó chưa kịp hái quả sa hương thì gã đàn ông lao vào giằng lấy cây sa hương và đẩy ngã nó. Mụ đàn bà lao đến. Họ đã tìm thấy hai quả sa hương. Mỗi người một quả, họ ăn ngấu nghiến với lá thúc bần. Khi họ vừa nuốt xong thì cây sa hương rung cành bần bật trên tay gã đàn ông. Từ ngọn cây thác đổ, khói trắng cuộn lên từng vòng. Chỉ trong nháy mắt, cây sa hương đã biến thành một dòng thác đổ nước xối xả lên hai người kia. Khi nước trong chậu nhỏ chảy đến giọt cuối cùng, hai người họ bỗng cười nói rúc rích, mặt lành như lá khoai nước. Rồi cứ ướt lướt thướt, họ dắt tay nhau chạy xuống núi, miệng líu lo rủ nhau về cấy lúa nương kẻo qua mùa nước đổ.
Xuân cởi trói cho chị Nguyệt. 
Chị Nguyệt đứng lặng nhìn bụi cây thúc bần đang xanh thêm. 
- Chị biết cây sa hương sẽ biến mất như thế đúng không?
Nghe Xuân hỏi, chị Nguyệt ngửa mặt nhìn lên khoảng trời chói chang nắng: 
- Trong tích truyện cổ viết: Khi quả sa hương được ăn với lá thúc bần thì người ăn sẽ trở nên lành như đất. 
- Nhưng cây sa hương sẽ biến mất.
Chị Nguyệt nhìn xuống chiếc chậu nhỏ: 
- Truyện cổ cũng kể, cây thúc bần chỉ là loại cây dại, nhưng nó có thể làm cho cây sa hương tan chảy nếu lòng tham con người chiếm lĩnh không khí xung quanh nó. 
- Nhưng còn công trình của chị?
Chị Nguyệt chỉ cười, mặt không rõ buồn hay vui. 
- Công trình chỉ biến mất khi lòng say mê biến mất.
Ba năm sau. 
Xuân về thăm nhà vào kỳ nghỉ hè. Đêm ấy trăng sáng, hai chị em rủ nhau lên đồi chè ngắm trăng. Xuân chợt thấy đâu đây phảng phất mùi sa hương. Xuân ghé sát vào vai chị, đúng là mùi sa hương nồng nàn đang tỏa ra từ người chị Nguyệt. Xuân ngạc nhiên vô cùng.
Chị Nguyệt cười, gò má ửng hồng như cà chua, mắt đen lấp lánh như mắt trẻ mười ba: 
- Lúc cây sa hương đậu quả lứa đầu, chị đã để dành được một quả vùi trong dải cát ven dòng suối nhỏ trong hang.
                              

  N.T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 86
 Hôm nay: 17
 Tổng số truy cập: 9242184
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa