Tháng 11 âm lịch, những cơn mưa kéo dài lê thê ngày này sang ngày khác, mưa không lớn cứ dầm dề nên cái lạnh càng thấm đẫm vào làn da, thớ thịt. Màu trời xám, nét xám không u buồn mà chỉ gợi lên bao lãng mạn cho những ai hay hoài niệm về những câu chuyện xưa cũ.
Xóm, nằm dưới một vệt đồi vòng cung toàn những rặng mít cổ thụ trải qua ba, bốn đời người, tán trùm xum xuê che lấy những nếp nhà khiêm tốn. Bên hông bếp từng lọn khói luồn ra thơm đượm mùi lá khô. Cảm nhận, cái rét được xua đi bởi tình thương của khói. Và mùi khói sẽ nương theo ta đi suốt cuộc đời, để rồi mỗi lần nhớ lại khóe mắt cứ cay cay.
Nhà tôi và nhà ông Hiệp chiếm hết một phần đồi Kỳ Sim. Đến mùa tháng năm, tháng bảy là cụp đồi tím lịm những sim mua. Qua màng đất mỏng nâu xám, chỉ cần một cơn mưa dông trút xuống là lộ ra những lớp đá tảng xếp chồng lên nhau, cứng ngắc. Vì thế, để lấy được mạch nước uống thì nhà ai cũng phải đào giếng sâu hơn hai chục mét. Được cái nước giếng ở đây rất ngọt, mát lạnh, trong vắt. Đi làm về khát cháy cổ chỉ cần múc một gàu lên uống là cảm nhận cơ thể như vừa được tiếp một bầu linh dược từ trời rót xuống. Sảng khoái vô cùng tận.
Tôi ngồi xem ông Hiệp đang cặm cụi mài giũa từng lưỡi dao. Những con dao rỉ sét mà chỉ một lúc sau sạch bong như được rèn mới. Nhìn ông miết lia lịa đầu ngón cái lên lưỡi dao sắc lẹm mà thấy rợn người. Một luồng hơi lạnh dâng lên tận óc khiến tay chân tôi quắn quíu lại.
- Ông Hiệp ơi, ngày nào đi hái lá dong để cho con Mén nhà tui theo với?
Mạ tôi đứng bên hàng rào hoa mướp nói vọng sang.
- Cứ chuẩn bị đồ đoàn cho đầy đủ, nội trong tuần này sẽ đi.
Ông Hiệp giơ con dao lên cao dưới ánh sáng ban ngày để soi cho rõ độ sắc bén của lưỡi dao. Và những âm thanh xoèn xoẹt lại tiếp tục phát ra dưới cục đá mài màu xám. Dòng nước đỏ sậm ri rỉ chảy ra sau mỗi lần ông Hiệp lật ngả lật nghiêng lưỡi dao cọ quẹt vào cục đá mài đến vẹt lõm. Bàn tay vạm vỡ, gân guốc vục vào chậu, khoát nước cuốn sạch lớp tạp bẩn. Ông mỉm cười, hiện rõ nét hài lòng trên gương mặt. Những con dao sáng loáng, lấp lánh như một đàn cá bạc.
- Xong rồi, ông Hiệp mài dao cho cháu với nhé. Mạ cháu nói lúc nào đi thì sẽ chuẩn bị suất cơm cho hai ông cháu ta luôn. Ông Hiệp không cần phải nấu nữa nhé.
- Ừm, nói với thằng Mẳn, con Xồm, con Bé… đứa nào muốn đi nữa thì cứ chuẩn bị tinh thần nhé. Đợt này có khi ba, bốn ngày mới về lận.
Tôi nhớ đến vài cái tết trước, mỗi lần theo đoàn ông Hiệp, ông Ninh... đi lấy lá, tôi thường hái được ít lắm, chỉ vừa đủ cho mạ tôi gói được đâu khoảng mươi cặp bánh chưng, bánh tét, chủ yếu là các bác ấy về san sẻ cho thêm. Có năm mưa rả rích kéo dài, đường rừng trơn trượt nhẫy nhụa, sên vắt bắn ra như trấu. Chưa kể lũ muỗi rừng từng đám đen kịt lao ra chít đốt khắp cơ thể. Nắng rồi lại mưa, mưa rồi lại nắng… thời tiết cứ ẩm ương, đảo lộn khiến con người ta rất dễ bị cảm. Đúng năm mưa đó, các bác ấy quyết định không cho lũ con nít đi theo, chỉ tội thêm vướng víu tay chân mà hái lá cũng chẳng được bao nhiêu, lũ trẻ đành phải ở nhà, riêng tôi thì vẫn cứ năn nỉ xin được đi theo, được đoàn đồng ý là nhờ có cậu Bảo là cậu ruột của tôi đi cùng, nên có gì cậu tôi sẽ đứng ra cáng đáng thay tôi. Tiết trời khắc nghiệt là thế, mưa gió, rét buốt căm căm. Hai hàm răng va lập cập vào nhau như đánh đàn. Mười đầu ngón chân quíu chặt vào đôi xà cạp nhằm bám thật chắc vào mặt đường quện dẻo như hồ. Có những đoạn đường, trọng lực cơ thể hầu như được dồn hết vào cây gậy vót nhọn một đầu để hỗ trợ khi đi xuống dốc, chỉ cần sơ sẩy bước chân một cái là trượt nhào xuống vách núi ngay. Ai lo lắng mặc kệ, tôi năn nỉ đi là cũng bởi vì quá mê mẩn những bông hoa chuối rừng. Dọc đường đi trong đầu tôi cứ hiển hiện lên hình ảnh trong bài tập đọc hồi nhỏ: "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi. Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng". Cảnh sắc đẹp như thơ, chỉ khác là không phải mùa xuân.
Đoàn dừng lại ở đầu rừng Gia Hoa, Gia Chiếm rồi sau đó men theo con đường nhỏ dẫn vào sâu bên dưới, qua những tán chuối rừng xanh thẫm, cọ quệt, ướt át. Những buồng chuối chín vàng lơ lửng treo trên cao, quả nhỏ đều răm rắp. Xưa, chả ai thèm lấy chúng làm gì, để chín nẫu cả một vùng thơm lựng. Còn bữa nay người ta lại rất chuộng thứ chuối rừng này để đem về ngâm rượu. Tôi vô cùng choáng ngợp bởi cảnh sắc trù phú của rừng, sự ban tặng của thiên nhiên dành cho con người thật hậu hĩnh. Tôi tưởng chừng như quẳng tôi lại đây vài tuần cũng chẳng thể nào đói khát. Dòng suối trong vắt uốn lượn dưới những tàng cây, xanh ngắt đôi bờ rau dớn cong vòng như những lưỡi câu, đàn cá thi nhau túa ra khi nghe bước chân lội tới. Đàn gà rừng trên cây gáy vang và cả lũ chồn đèn như mũi tên lao ra từ những lùm dứa dại. Môi tôi tím lịm, thè lưỡi vòng quanh liếm láp những mật, dấp dính vị thơm quả ngọt của rừng. Nón tôi đầy ắp những Muồng chu, Chúp mao, Mịn gà… còn có cả hạt Nài, hạt Sót, hạt Dẻ… Tôi quên mất việc chính của mình, đi lấy lá, cứ bươn bả rời xa đoàn người. Càng đi sâu vô rừng mọi thứ càng trở nên lạ lẫm. Mưa ngớt, mặt trời xiên qua tàng cây thả những sợi nắng vàng chanh dịu ngọt. Lúc này cánh rừng trở nên biếc xanh như được rưới mỡ, những bông hoa chuối đỏ rực thắp lửa. Rồi hoa Chạc chìu trắng xóa li ti, bung một thứ mùi hương đậm đặc quyến rũ, mùi tinh chất của phấn hoa. Tôi kết một vòng nguyệt quế đội lên đầu và vòng về trảng rừng lá dong, nơi đoàn người đang say sưa cắt lá.
Cậu tôi hớt hải cầm con dao khoắm từ xa chạy lại.
- Mi biết, nãy chừ tao tìm mi khắp nơi không hả? Vào rừng đừng có đi đâu ngơ ngơ… Mà ai bày đội hoa, đội lá trong rừng chi vậy? Tháo xuống ngay! Mặt cậu tôi có vẻ hậm hực. Tôi không hiểu vì sao cậu tôi lại bắt tôi tháo gỡ nó, nhưng nào dám mở miệng hỏi, đành ngậm ngùi nhìn vòng hoa nguyệt quế dập dềnh trôi theo con suối.
Vạt dong cao ngang ngực tôi, lá xanh bóng, mỗi cây có đến hơn chục nhánh. Có bụi lá trơn, có bụi lá phủ lớp lông mịn. Căn cứ vào đặc điểm đó mà người ta phân biệt được đâu là dong nếp, đâu là dong tẻ. Lá dong nếp hai mặt đều nhẵn nên người ta sẽ dùng để gói bánh nhiều hơn.
Mấy tết trước mỗi lần đem lá dong từ rừng về, mạ tôi thường dựng nó trong một chậu nước lớn để giữ được độ tươi của lá. Chọn ngày nắng đẹp, mạ nhóm một bếp lửa thật đượm bằng những khúc củi chắc nịch được trữ từ trước. Và câu nói quen thuộc “Con Mén lại rương lấy chiếc khăn dong cho mạ”. Đó là một chiếc khăn màu tím đậm được dệt từ những sợi vải mềm mịn, xung quanh có những tua rua và vài họa tiết kẻ ô. Chiếc khăn có cái tên như vậy bởi trong rương có đến vài chiếc khăn, trong đó có chiếc khăn dù xanh của ba tôi. Sau khi rời báo Bình Trị Thiên về sống với vợ con được vài năm thì cơn nhồi máu cơ tim đến đột ngột đã khiến ba tôi rời xa gia đình mãi mãi. Chiếc khăn dù xanh giờ đây là vật kỷ niệm duy nhất của ba mà gia đình tôi giữ lại. Chiếc khăn vương mùi đạn khói lẫn mùi mực xưa cũ của một thời cầm bút lăn lộn trên khắp các chiến trường. Mạ rẻo một roọc nhỏ làm quai nón như cách để tưởng nhớ về người đàn ông của cuộc đời mình. Tôi xin mạ cho tôi sở hữu phần khăn còn lại. Và mỗi khi mùa đông đến, cái rét tái tê, tôi lại đem chiếc khăn dù quấn quanh người và cảm nhận rõ hơi ấm của ba tôi trong từng giấc ngủ.
Chỉ vài cái tết mà mạ tôi già đi trông thấy, mái tóc giờ trắng nhiều hơn đen, mắt mờ dần và dáng đi không còn được thẳng. Tôi chợt thấy mơ hồ một điều gì đó sợ hãi. Ôm chiếc khăn dong màu tím, cảm nhận mùi vị đậm đà của hương lá, mùi vị của tình thân, sự ấm áp. Tôi hít hà nó một lúc thật lâu trước khi đem đến cho mạ trải rộng trên mặt nống và đặt những xấp lá dong vào, buộc lại và bỏ lên nồi nước sôi để nhúng. Mùi lá thơm nồng quyện vào mùi khói bếp thật khó diễn tả. Dẫu nhiều năm trôi qua tôi vẫn không thể nào quên được cái mùi hương ấy. Cả những giọt nước mắt của mạ tôi chấm vào đó khi nhìn thấy đứa con của mình được cõng từ rừng về.
Đận đi cuối cùng đó, cậu tôi ân hận lắm, nhẽ ra tôi cũng ở nhà như mấy đứa thì đâu xảy ra chuyện. Mà chính cậu đã đứng ra bảo lãnh cho tôi đi, để rồi điều không may mắn đã xảy đến, tôi bị rắn cắn. Sau một tiếng hét thất thanh, tôi ngã vật xuống đất, con rắn trườn nhanh dưới vạt dong vừa được mọi người chặt sát gốc để mùa sau đẻ nhánh nhiều và cho lá mới to đẹp hơn. Cậu Bảo chạy lao đến, phát hiện dấu răng của rắn trên lóng tay tôi trong lúc tôi đang ngồi xếp lá để cho cậu cột lại thành từng bó. Tôi nằm im trên đất, mơ hồ thấy những bóng người xúm lại, những âm thanh nhốn nháo: “Hút độc, thắt ga ro, đừng cử động…”; “Giã hạt chanh, đắp đu đủ…”; “Trời đất ôi… tìm… nhanh lên, cháu tôi chết mất, môi hắn tím lịm rồi…”; “Đã bảo đừng cho đi theo... rõ khổ chưa?”; “Giờ ai chạy ra bìa rừng xem có xe máy nhà Thi vô ở lại khai hoang rẫy thì nhờ họ chở ra giúp vài đoạn, chứ không rất nguy hiểm. Nhanh lên nhé…”.
Tôi bắt đầu lên cơn sốt, toàn thân mê man. Tôi lắng nghe âm thanh rất rõ nhưng tôi không thể mở mắt ra nhìn mọi người, tứ chi bất động. Tôi nhìn thấy bóng trắng của tôi ngồi trên ngọn cây rồi bay dợt trên những trảng rừng. Tôi vui vẻ và cười nói vô tư như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Ánh nắng trải trên đầu tôi ấm áp. Tôi đưa tay hứng những búp nắng nhảy nhót, tôi thỏa sức hái bông chuối đỏ, lau trắng, chạc chìu… kết vòng hoa đội mà không hề bị ai mắng “Vô rừng cấm làm đẹp, điểm trang”. Tôi nhẹ bẫng và lướt đi như gió. Đám người vây quanh chỗ tôi nằm, cậu tôi chống cằm khóc rưng rức. Sự hoảng loạn khiến cậu tôi bất lực quên mất cách sơ cứu tối thiểu, cứ nhất quyết đòi cõng tôi chạy đi tìm xe. Ông Hiệp từ phía vạt dong chơm chởm sắc nhọn xách đuôi con rắn nói lớn: “Đừng hoảng quá, loài rắn ráo ni cũng lành thôi. Chắc hai hôm nay hắn dầm mưa lạnh nên cũng phần nào bị cảm sốt đó, vô lán nấu cho hắn bát cháo nóng đi, qua 12 giờ sẽ ổn thôi”. Tôi nghe hết, nghe rõ mồn một, nhưng sao tôi không thể mở mắt, không thể cọ quậy. Thân tôi bẹp dí đây, mà bóng tôi thì đang dạo lướt khắp nơi, chẳng màng tới sự lo lắng trên các gương mặt. Tôi còn thích thú ngắm nghía sự thương xót đang diễn ra và mỉm cười khi thấy vẻ yếu đuối của cậu tôi. Sự ích kỷ, khó tính của ông Sự khi tôi theo đoàn. Lão cứ lẩm bẩm mãi không thôi: “Đã nói rồi, y như rằng”. Trời ơi, có phải cái chết cũng chỉ là như này phải không nhỉ? Vậy thì chết đâu có gì đáng sợ? Rõ ràng sau cái chết, một kiếp sống khác đang diễn ra cũng không kém phần đẹp đẽ, thú vị. Tại sao loài người phải khóc? Hãy giải tán đi, làm việc chăm chỉ và đem những bó lá dong kia ra khỏi cánh rừng. Ngoài xóm nắng chan hòa, không ẩm thấp như rừng đâu. Mau về thôi…
Tôi mở mắt, cảm nhận từng hớp cháo nóng tràn qua vòm họng, mùi bùn cháy, và cả những âm thanh lách tách từ lò bếp. Sau đó một mùi thơm tỏa ra không thể cưỡng. Thơm lừng. Ngất ngây. Mùi gà nướng. Ông Ninh đã bẫy được một chú gà rừng, lấy bùn khe đắp tròn thân nó lại rồi vùi kín trong lò bếp. Bùn đất vỡ ra, từng mảnh. Con gà vàng ươm lộ rõ những thớ thịt hồng tím khi cậu vặt phần tôi nguyên một cái đùi. Tôi như tỉnh hẳn sau khi ăn hết số thức ăn. Không biết ai nhanh mồm miệng báo về mà mạ tôi đứng ngồi không yên, mấy bận sấp ngửa đòi bằng được thằng cháu chở vô rừng kiếm tôi. Vừa may, thấy đoàn đã trở về đầu ngõ, mạ tôi chạy ra dìu tôi xuống từ trên lưng cậu. Mắt sưng trụp: “Con Mén răng rồi? Chừ có đưa lên trạm xá không?”. Mạ sờ trán tôi, rồi nắn bóp khắp cơ thể tôi một lượt “ Chỗ rắn cắn mô?”. Vừa thấy sợi ruy băng thắt ngang tay tôi chưa kịp tháo, mạ tôi lấy vuông khăn tím chặm nước mắt “Ơn trên phù hộ”.
Đó là chuyến đi rừng cuối cùng của tôi trong mùa lấy lá, đã hơn hai mươi năm, giờ đây nhiều cánh rừng tự nhiên đã trở thành cánh rừng tràm, trảng thực vật hoa trái bên dưới đã được dọn sạch để dành chỗ cho những thùng ong nuôi lấy mật. Nhiều ngôi nhà mọc lên, dân cư xâm lấn rừng lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt…vẻ hoang vắng không còn. Chợt thèm nghe mùi khói… và những âm thanh hoang hoải của muông thú gọi bầy. Những khóm dong theo chân người về đồng bằng mọc lên thành vạt, thành bãi…giá cả cũng tăng vọt lên gấp hai ba lần và theo những chuyến xe ra huyện, ra phố, rồi đi liên tỉnh. Giọng nói í ới gọi nhau đi hái lá dong từ tờ mờ sáng đã lùi xa vào dĩ vãng. Thèm một bữa cơm nắm đùm trong lá chuối, chấm với mè lạc, vài ba con khô, quả cà muối, mà ngon đáo để. Có lẽ đó là những bữa cơm ngon nhất đời của tôi cho đến tận giờ. Tôi vô thức nuốt ực một tiếng rõ to. Và chợt cay mắt khi nghĩ đến chiếc khăn dong của mạ. Nó giờ đây đã biến thành chiếc túi đeo kiểu cách bên hông tôi trong suốt những chặng đường đi thực tế viết lách. Bên đường lau trắng xóa, ngã rạp mình theo luồng gió. Tôi ngẩn ngơ nhìn cánh đồng dong xanh đang vươn những chiếc lá hiền hòa giữa dư thừa ánh nắng. Một lọn khói nhà ai len lên cao, cuộn vào tâm thức tôi một niềm hạnh phúc ấm áp đến khó tả. Tôi bước đi trong những ngày cuối đông…
Quảng Bình, 22-11
T.D