Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Lên rừng
Lên rừng

Thúy nằm ép mình vào gần tường. 
Đêm nay khó ngủ quá.
Ngoài kia trời vẫn đổ mưa nặng hạt. Tiếng mưa đêm ở rừng nghe mới não nuột làm sao. Đã nhiều đêm Thúy nằm nghe tiếng mưa rừng như thế này rồi đấy. Bỏ phố thị nhộn nhịp để lên rừng là chuyện bất đắc dĩ, song khi lòng đã quyết thì không gì có thể ngăn nổi. 
Đêm nay không ngủ được, Thúy nằm lục lại những kỷ niệm ngọt bùi, cay đắng của đời mình. Anh chồng nằm cạnh bên cứ phì phò vô tư ngáy. Tiếng ngáy của anh chồng Thúy càng làm cho tiếng mưa đêm nặng hạt hơn, não nuột hơn! Thúy không thể tự lý giải được tại sao đời mình lại cứ phải gắn bó với rừng như vậy. Nhiều cơ hội để Thúy về với phố thị rồi chứ. Cơ hội rõ mười mươi. Rồi cơ hội lại tuột khỏi tầm tay chóng vánh.
Thúy sinh ra ở Nam Ngạn, Hàm Rồng. Năm 1964 giặc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Chúng cho máy bay ngày đêm quần đảo, đánh phá cầu Hàm Rồng. Quê hương đang thanh bình bỗng trở thành chiến địa. Bao nhiêu lớp trai tráng lên đường nhập ngũ. Những người còn lại đeo súng trường ra trực chiến giữ cầu Hàm Rồng. Khi ấy Thúy còn bé lắm. Thúy phải theo cha mẹ lên sơ tán ở huyện miền núi Châu Như. Ngày đầu tiên đến với rừng Thúy thấy lạ nhưng vui. Thứ gì cũng lạ. Nhưng thứ gì cũng vui. Con suối chảy trước nhà lúc nào cũng như gõ nhạc. Vách Lèn Côi cheo leo chim vượn ca hát liên hồi. Đoạn đường từ tỉnh lộ tới nhà hương hoa dẻ thơm ngào ngạt. Mấy ngày đầu Thúy thích lắm. Đi đâu đôi chân Thúy cũng như sáo nhảy. Nhưng Thúy nào biết những người lớn tuổi bàn tán những gì, cha mẹ Thúy bàn tán những gì...
Có khoảng hai chục nhà ở quê Nam Ngạn, Hàm Rồng lên đây sơ tán. Họ lập thành làng ven dãy núi Tây Phong. Họ đặt tên làng là Nam Phong. Họ xây dựng Hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Vốn là dân thương nghiệp, dân thợ, nay canh tác nông nghiệp nên nhiều khó khăn. Tuy nhiên bản chất cần cù đã giúp họ chóng vượt qua khó khăn ban đầu. Họ trồng sắn, ngô, khoai, lúa, đậu, lạc... Thứ gì họ trồng cũng tốt. Thời buổi có chiến tranh, đời sống dân ta nói chung rất vất vả do thiếu lương thực. Nhưng dân làng Nam Phong luôn no đủ. Họ đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước cũng xuất sắc, vượt chỉ tiêu. Thúy thừa hưởng bản chất của dân làng Nam Phong. Thúy xinh xắn, tháo vát, không ngại gian khó. Nhưng Thúy còn bé, cha mẹ bắt Thúy phải đi học. Học xong cấp một, Thúy học lên cấp hai. Học xong cấp hai, Thúy tiếp tục học lên cấp ba. Ở cấp nào Thúy học cũng giỏi, nhất là môn văn. Thúy liên tục đạt học sinh tiên tiến. Các thầy cô giáo thương quý Thúy lắm. Mỗi lần đi họp phụ huynh về cha mẹ Thúy mừng vui như nở ra từng khúc ruột.
Năm 1974, học xong cấp ba, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Thúy tình nguyện đi thanh niên xung phong. Ngày đêm Thúy cùng đồng đội lao động tích cực trên tuyến đường 217.  Công việc chủ yếu của toàn đội là đào san đất mở đường. Tại công trường 217 Thúy đã gặp tình yêu đích thực của mình. Anh tên là Mùa, quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Anh hơn Thúy hai tuổi và lên công trường trước Thúy hai năm. Anh là trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy Thúy. Anh không đẹp trai lắm, nhưng trung thực và cần cù. Cả trung đội ai cũng quý mến anh. Hôm Thúy vào rừng lấy măng về cải thiện, vô tình đi qua cây sơn mà không biết. Khi về tới lán trại, mặt Thúy đỏ rân, hơi nóng bốc lên phừng phừng. Biết Thúy đã bị dính phấn cây sơn, anh chạy đi tìm lá khế về giã nhỏ bắt Thúy thoa lên mặt và thoa khắp người. Ngày nào anh cũng hai lần đi lấy lá khế cho Thúy. Thúy để ý anh từ đó. Ba ngày sau Thúy khỏi, ngày nào cũng đôi lần sang lán chỉ huy để xem anh có cần giúp gì không. Nhưng tắm xong là anh giặt giũ quần áo tại suối. Lán trại anh quét dọn sạch sẽ ngay từ khi vừa thức dậy và xuống khỏi sạp ngủ. Mấy hôm sau anh đi họp dài ngày trên tổng đội thanh niên xung phong. Tự dưng Thúy thấy nhớ. Một nỗi nhớ khó nói nên lời. Thúy không thể giấu nổi tình cảm của mình. Cái Mai thân nhất với Thúy trêu: “Iu rồi phải không?”. Thúy đấm vào vai cái Mai thùm thụp...
Sau Đại thắng mùa xuân 1975, cuộc chiến tranh với Mỹ thực sự chấm dứt. Cả nước đã hòa bình.  Đội thanh niên xung phong trên công trường 217 hoàn thành nhiệm vụ. Phần đông đội viên được cử đi học các trường đại học. Thúy được đi học Đại học Kinh tế Quốc dân. Anh Mùa đi học Đại học Kiến trúc. Đêm liên hoan chia tay nhau thật vui. Rừng núi biên giới lung linh, nghiêng ngả ánh lửa trại... Hôm ấy Thúy như say. Thúy có lúc đã ngả hẳn đầu vào vai anh Mùa mà hát, mà khóc... Rồi cả đội nắm tay nhau lượn vòng quanh đống lửa trại cùng hát vang bài ca “Nối vòng tay lớn”.
Ra Hà Nội học đại học, Thúy như trẻ lại. Phần đông sinh viên cùng lớp tuổi đời còn trẻ, nên Thúy được cử làm lớp trưởng. Vừa là bậc chị, vừa là lớp trưởng nên Thúy phải mẫu mực đủ điều. Anh Mùa tới chơi Thúy không dám thổ lộ tình cảm, mặc dù trong lòng cứ xôn xao, chộn rộn. Rồi một hôm anh rủ Thúy đi chơi bờ hồ Hoàn Kiếm. Anh mang xe đạp tới chở Thúy đi chơi. Ngày ấy có xe đạp là sang lắm. Ngồi chung xe từ trường tới bờ hồ mà có ai nói với ai câu nào đâu. Hai người im như thóc. Tới bờ hồ anh mua mấy cây kem, tựa xe đạp bên gốc cây sưa cạnh ghế đá, rồi dùng giấy lộn mang theo lau ghế cho Thúy ngồi. Anh đưa kem cho Thúy. Thúy ăn ngon lành. Kem bờ hồ là thứ kem ngon có tiếng. Ăn xong kem, anh nhìn ngang, nhìn ngửa chẳng thấy ai để ý, vội nắm tay Thúy nói khẽ: “Thúy, anh yêu em”. Chỉ chờ có vậy, lòng Thúy như thửa ruộng khô nẻ gặp mưa rào. Thúy nắm tay anh nói như nghẹn: “Em cũng yêu anh”...
Hai tháng sau Thúy và anh Mùa cùng về quê để tổ chức cưới hỏi. Việc tổ chức cưới hỏi cũng bình dân. Được cái cả hai gia đình bố mẹ đều là những bậc cách mạng lão thành nên dễ thông cảm với nhau. Lễ dạm ngõ, ăn hỏi, nạp tài, xin cưới dồn cả vào một buổi. Đám cưới tổ chức ngay tại sân kho Hợp tác xã nông nghiệp quê anh Mùa. Vì nhà gái ở xa Thúy và gia đình phải tới trước một buổi... Đám cưới chỉ có trầu cau, nước chè xanh, và mươi bao thuốc lá. Lễ cưới có cả đại diện của UBND xã tới dự, phát biểu ý kiến chúc mừng. Ấy thế mà vui đáo để. Tổ chức đám cưới xong, Thúy và anh Mùa trở về trường tiếp tục học tập. Bạn bè ở cả hai trường không ai biết họ đã thành vợ thành chồng. Mọi người cứ ngỡ họ đang là tình bạn, tình đồng đội.                                    
Sau bốn năm học đại học cả Thúy và anh Mùa đều tốt nghiệp loại khá. Lại có thành tích trong chiến tranh nên họ được quyền chọn nơi công tác. Anh Mùa xin về Ty Văn hóa, còn Thúy xin về cửa hàng lương thực Thị xã Thanh Hóa. Đây là giai đoạn nền kinh tế nước ta cực kỳ khó khăn. Để thuận tiện công tác, cha mẹ đôi bên dồn góp tiền cho họ mua một căn hộ chung cư. Cặp vợ chồng công chức với căn hộ chung cư và hai chiếc xe đạp thống nhất, quả thật rất hạnh phúc và là mong ước của nhiều người. Nhưng bản tính của Thúy luôn năng động, không an phận, thích vươn lên.
Giữa năm 1984 nhà nước có chủ trương giảm nhẹ biên chế. Thúy có cơ hội thực hiện mơ ước của mình. Hai vợ chồng xin nghỉ việc ở cơ quan ra mở công ty xây dựng cơ bản và thương mại tổng hợp. Anh Mùa nhận thầu các công trình xây dựng. Thúy mở rộng kinh doanh nông sản. Hai vợ chồng như đôi song kiếm hợp bích. Thúy vào Sài Gòn mua lương thực chở về Bắc bán. Thúy tháo vát, nhanh nhạy, lại có nhiều mối quan hệ thân tình từ trước nên chuyến hàng nào cũng gặp thuận lợi. Rồi Thúy thấy người ta thu mua phế liệu. Mà phế liệu sắt thép thời ấy bỏ đầy bờ bãi, nơi nào cũng có. Thúy gom vốn mua phế liệu. Đầu tiên Thúy bán cho ngoại thương Thanh Hóa. Khi nắm vững đường đi nước bước, Thúy mang thẳng vào Sài Gòn bán cho khách thương Ấn Độ. 
Có nhiều vốn, lại xác định được hướng đi, Thúy mua nhà ở Sài Gòn và mở công ty Gdexco, chuyên xuất khẩu nông sản. Sau hai năm buôn nông sản, Thúy xin được Qua ta bổ sung xuất khẩu phế liệu. Lần này Thúy bán phế liệu cho Hồng Kông. Chuyến đầu Thúy giao hàng cho họ tại cảng bên bán. Khách thương gặp gỡ thường xuyên là Lý Chung Cheng. Y là một gã lịch lãm, lúc nào cũng đeo chiếc kính trắng gọng mạ vàng. Y giao dịch bằng tiếng Anh và tiếng Việt khá thành thạo. Một hôm Y khuyên Thúy nên giao hàng ở Hồng Kông để vừa có lợi nhuận cao hơn, lại vừa có cơ hội đi du lịch nước ngoài. Bùi tai, Thúy nghe theo và ký hợp đồng ba ngàn tấn phế liệu giao hàng tại Hồng Kông. Đây là bước ngoặt cay đắng nhất của cuộc đời Thúy. Hầu như mọi thăng trầm của cuộc đời Thúy bắt đầu từ đây. Ba ngàn tấn phế liệu Thúy thuê tàu Nhật Bản chở. Hôm tàu hàng đã rời cảng Lý Chung Cheng mua vé máy bay cùng Thúy đi Hồng Kông. Máy bay tới Băng Cốc dừng lại tiếp nhiên liệu. Tiếp nhiên liệu xong máy bay tiếp tục bay. Hành khách lên đủ, Thúy không thấy Lý Chung Cheng đâu nữa. Máy bay có điều hòa nhiệt độ mà mồ hôi Thúy vã ra như tắm. Tới Hồng Kông, xuống máy bay, mình Thúy ngơ ngác giữa phi trường. Một cậu bảo vệ sân bay còn trẻ lắm tới hỏi Thúy bằng tiếng Anh, rồi bằng tiếng Hoa. Nhưng Thúy chẳng hiểu gì. Cậu ta thay thường phục và tới lơ lớ hỏi Thúy bằng tiếng Việt. Cậu ta dẫn Thúy về nhà. Như chết đuối vớ được bèo, Thúy đi theo không cần suy nghĩ gì. Tới nhà, cậu ta gọi một ông già là Pa Pa. Chắc là bố cậu ta rồi. Ông già lấy cốc nước mời Thúy uống. Nhưng Thúy không dám uống. Cậu ấy đi ra sau bằng cửa ngách nhỏ, rồi đưa vào nhà một người đàn bà. Bà ấy nói chuyện với Thúy bằng tiếng Việt. Thúy đã kể đầu đuôi câu chuyện cho bà ấy nghe. Bà ấy bảo: “Em bị lừa rồi!”. Lúc này trong người Thúy có bảy cây vàng và năm ngàn đô. Thúy đưa cho bà ấy một ngàn đô để lo ăn uống và ba ngàn đô để thuê phiên dịch, nhưng yêu cầu có xe hơi và hàng ngày chở Thúy tới cảng. Bên Hồng Kông giữ tàu hàng của Thúy ở ngoài phao số 0. Thúy phải thuê chở lương thực và nước ngọt ra cho các thủy thủ. Thúy phải trả tiền công cho tàu chở hàng của Nhật Bản. Sau 24 ngày Hồng Kông mới cho tàu vào cảng. Lúc này có một người tới bảo với Thúy: “Bây giờ cô có hai lựa chọn, hoặc bốc hàng lên bãi hoặc bán hàng với giá thỏa thuận”. Bốc hàng lên bãi mà không bán được nhanh chóng thì trả tiền bến bãi cũng nặng lắm. Bị ép giá đây. Biết vậy mà phải chịu. Đứng giữa biển trời bao la xứ lạ, lòng Thúy ngao ngán buồn. Cuối cùng Thúy phải bán lỗ số hàng phế liệu ba ngàn tấn. Mỗi tấn lỗ ba trăm hai mươi triệu. Khi ra đi tiền hàng là một tỷ ba trăm ba mươi triệu. Nếu bán đúng giá sẽ thu lãi hai tỷ. Mà tiền tỷ ở thời điểm năm 1995 là lớn lắm chứ. Tính ra, sau ba tháng rưỡi lênh đênh chìm nổi, bán xong hàng rồi trang trải mọi chi phí, Thúy còn cầm trong tay mười sáu triệu đồng mang về. Tiền mất Thúy tiếc lắm. Khi về tới Sài Gòn Thúy đau đớn nghe tin anh Mùa đang chung sống với người đàn bà khác ở Hải Phòng. Ngỡ là ai xa lạ cho cam. Người đàn bà ấy lại chính là cái Mai, đồng đội của Thúy năm nào. Bao nhiêu lãi thu được trong làm thầu xây dựng anh Mùa mua nhà tậu đất cho Mai... Nằm ở khách sạn Thúy đau đầu suy nghĩ. Đôi lúc Thúy định nhảy lầu tự tử. Chỉ có chết mới hết mọi nỗi phiền muộn. Chợt một hôm có ba chiếc xe đến đậu ở khách sạn Thiên Hồng. Mọi người trong xe ùa ra chạy lên phòng Thúy. Họ ôm chầm lấy Thúy rồi kẻ cười người khóc. Đó là bạn bè và nhân viên của Thúy ở công ty Gdexco. Họ khuyên Thúy nên trở về công ty làm lại từ đầu. Họ chân tình và chí lý lắm nên Thúy vợi bớt phần nào nỗi đau. Họ nhắc những câu nói của ông cha đã dạy. Nào là còn người còn của. Rồi của đi thay người. Hay thua keo này bày keo khác. Và còn nước còn tát. Bản chất con người Thúy là năng động, là cứng cỏi, là sáng tạo, là không cam chịu. Cuối cùng Thúy đã cố quên buồn đau và trở về công ty như họ mong muốn. Nhưng cũng từ đây, Thúy có ý định trở về quê. Ở quê Thúy còn ba đứa con, Thúy còn cha mẹ, anh chị em ruột, bạn bè và họ hàng. Làm gì cũng phải có chỗ dựa về tinh thần. Thúy nghĩ vậy. Thúy đóng cửa công ty và về Thanh Hóa. Nhưng khi về quê Thanh Hóa Thúy lại bị bắt vì tội buôn bán kim loại màu trái phép. Thúy bị phạt tù mười tám tháng và phạt tiền năm trăm bảy mươi triệu đồng. Thúy phải bán nhà ở Sài Gòn để nộp tiền phạt. Nhưng nhờ anh em, bạn bè giúp đỡ, Thúy chỉ ngồi tù ba tháng. Hôm được ra tù, nghĩ cũng tức cười, chị quản giáo mừng như em gái mình được tha vậy. Chị xởi lởi thông báo tin vui cho Thúy, rồi dẫn Thúy đi thay quần áo...
Ra tù Thúy được bạn bè hỗ trợ ba mươi tám triệu. Thúy mua một căn nhà cấp 4 ở phường Phú Sơn hết hai mươi tám triệu. Mua một xe máy cũ để có phương tiện đi lại hàng ngày. Thúy xác định làm lại từ đầu. Anh Mùa từ Hải Phòng trở về tìm Thúy. Vợ chồng thức thấu sáng để tranh cãi. Họ lời qua tiếng lại khiến các con bật thức dậy nghe được. Chúng quỳ xuống lạy xin mẹ bỏ qua cho bố. Thúy mủi lòng ôm chặt ba đứa con mà khóc. Các con đứa nào cũng khóc. “Cá chuối đắm đuối vì con”, Thúy không cầm lòng khi nghe các con van xin mẹ. Vì hạnh phúc của các con Thúy bỏ qua cho anh Mùa. Có ai hiểu được trong lòng Thúy như có dao đang cứa ra từng khúc ruột. 
Anh Mùa và Thúy lại mở lò gốm chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ kinh doanh. Họ thuê hai thợ tận Hải Dương vào để vừa hướng dẫn vừa dạy bảo kỹ thuật. Hai lò đầu hàng ra đẹp. Lúc này đang có chính sách ưu tiên sản xuất hàng thủ công nghiệp. Thúy được lãnh đạo tỉnh dành phần đất để triển lãm và quảng cáo cho mặt hàng. Còn phấn khởi nào hơn khi vừa gượng đứng dậy sau gục ngã lại được quan tâm của các nhà chức trách. Lò thứ ba cũng thuận lợi. Đến lò thứ tư thì bị sự cố. Do ngủ quên, anh Mùa để quá lửa, gốm bị cháy. Thế là đen rồi. Hôm gốm bị cháy khói đen bay mù mịt. Mà lò gốm lại gần khu dân cư. Thế là dân kiện, yêu cầu chuyển lò gốm đi nơi khác. Không có nơi để di chuyển, Thúy đóng cửa lò gốm. Cuộc đời Thúy lại thêm lần khốn khó... Ý định của Thúy chỉ đóng cửa lò gốm tạm thời, chờ tìm được địa điểm thuận lợi sẽ mở lại. Nhưng người tính không bằng trời tính. 
Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, Thúy lên thăm bố mẹ và các em trên huyện Châu Như, nơi một phần tuổi thơ của Thúy đã gửi gắm. Hôm ấy trời quang, mây tạnh. Rừng núi rực lên một màu kem đầy quyến rũ. Hương hoa dẻ vẫn thơm ngào ngạt. Con suối vẫn róc rách gõ khúc nhạc tình trong suốt. Nhưng Lèn Côi đã vắng tiếng chim ríu rít, tiếng vượn véo von. Bao kỷ niệm ùa về ngây ngất. Tuổi thơ đâu rồi? Qua trò chuyện với mọi người Thúy biết xã Phúc Nguyên đang vận động dân nhận đất rừng. Nhưng dân không dám nhận nhiều, sợ không đủ sức để bảo vệ và canh tác. Dân chưa có hướng khai thác nguồn lợi từ đất rừng. Vì không có khẩu ở đây, Thúy nhờ em gái đứng tên nhận năm mươi héc ta. Rồi Thúy nhờ người em kết nghĩa đang là Phó Chủ tịch huyện làm trích lục đất cho mình và các hộ dân trong xã. Năm 2005 Thúy ký hợp đồng trồng bốn mươi héc ta mía. Thúy vay tiền ngân hàng bằng thế chấp trích lục đất. Thúy xây một căn nhà cấp bốn ngay bìa rừng để ở rồi thuê kéo điện lưới về để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy ở bìa rừng nhưng ngày đêm không ngớt tiếng loa đài. Thúy hòa mình với cuộc sống của nhân dân ở đây, và luôn hòa vui cùng lời ca khúc nhạc của các trang mạng điện tử. Nhờ Thúy mà dân ở đây có công ăn việc làm hàng ngày. Có thu nhập đời sống của nhân dân cũng được nâng lên. Thúy còn ủng hộ tiền để xây dựng các phong trào trong các thôn bản. Dân ở đây ai cũng quý vợ chồng Thúy. Họ coi Thúy như người nhà. Nhưng tiếc thay, do thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, sau bốn năm trồng mía Thúy lỗ hơn ba trăm triệu. Cũng may Thúy trồng được mười héc ta keo. Bán keo đi Thúy có gần đủ số tiền bù lỗ trồng mía.
Năm 2009 Thúy được huyện Châu Như cử đi dự hội nghị những người làm kinh tế trang trại ở tỉnh. Tại đây, Thúy đã gặp các nhà khoa học. Thúy mời các nhà khoa học về thăm trang trại của mình để trực tiếp vào hỗ trợ kỹ thuật. Nhờ thế trang trại của Thúy lại khởi sắc trở lại. Nhờ rừng Thúy đã đứng hẳn dậy sau những lần gục ngã. Rừng không chỉ thơ mộng mà còn sâu tình nặng nghĩa với Thúy nữa. Thúy yêu rừng, yêu đất thực sự.
Nghe Thúy có ý định trở về thành phố nhiều người đã đánh tiếng mua lại trang trại của Thúy. Tám héc ta đào. Hơn bốn mươi héc ta keo. Họ lên tiếng sẽ trả hai mươi hai tỷ đồng. Thúy đắn đo. Điều cơ bản là Thúy cứ day dứt không nỡ bỏ rừng, không nỡ bỏ trang trại... Linh thiêng lắm! Vì vậy đêm nay Thúy không tài nào ngủ được. Thúy lục lại toàn bộ những nỗi đoạn trường còn hằn sâu trong ký ức. Anh Mùa nằm bên cạnh vẫn phì phò vô tư ngáy. Ngoài trời mưa vẫn rơi nặng hạt. Thúy nằm ép mình hơn nữa vào tường nhà. Có ai biết Thúy đang khóc đâu?...
              

  H.Q


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 122
 Hôm nay: 730
 Tổng số truy cập: 7464423
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa