Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Dòng trôi...
Dòng trôi...

1. Đi tất thảy mười ba cửa chùa, chín ông thầy pháp, uống không biết bao nhiêu lá bùa cũng chỉ đổi được câu trả lời tỉnh bơ của thằng con trai.
- Con không có bị bệnh.
Có bị đánh bầm dập, tơi tả thì ngữ điệu câu nói ấy chỉ yếu đi chứ không bao giờ khác. Hành trình tìm lại đứa con trai của bà Chín Sứ bắt đầu từ dạo chồng thấy thằng con trai không mảnh vải che thân quấn chặt lấy cậu bạn cùng lớp. Nghĩ, con mình chỉ tò mò chuyện chiếu chăn. Chứ con bà, bà biết. Từ nhỏ nó đã phá động trời, thịt da chắc nịch, đánh nhau hàm rầm với tụi con trai trong xóm. Bà Chín Sứ xé mấy tấm hình ca sĩ nam trong phòng của con, lấp đầy bằng những cô gái nằm dài ườn trên bãi biển. Ngoài những tấm hình bẽ bàng đó thì chẳng có dấu hiệu nào cho thấy bà có thể giật thằng nhỏ ra khỏi cái ý nghĩ nó thích con trai. 
Kể từ đó bà cấm tiệt không cho bất cứ đứa con trai nào lui tới nhà, trên tay bà luôn cầm sẵn xấp hình tụi con gái dí vào mắt thằng con.
- Coi ưng đứa nào má cưới cho.
Ông Chín Sứ bận đi công tác cũng không quên nhắn với về “má con bà làm sao thì làm, để thiên hạ dị nghị, tao giết hết cả đám rồi tao đi tù”. Cái viễn cảnh đó cứ ám ảnh bà, bà không thể để vuột mất đứa con trai mà bà đã tìm đủ cách mới có được. Bà Chín Sứ chẳng có chút động lòng nào mỗi khi xách giỏ đi chợ gặp cậu thanh niên đi theo sau nắm vạt áo.
- Thằng Trạng sao rồi bác. Bác cho con vào thăm nó một chút thôi cũng được.
Nước mắt rơi suốt dọc đường đi, bà Chín Sứ cố không để nỗi căm hận xổ lòng. Cậu thanh niên vẫn cúi mặt trước sự sắc lạnh của bà Chín Sứ. Tuyệt nhiên chẳng có một lời nào đáp lại, chỉ có tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng những bước chân chồng lấn lên nhau đi qua ngày tất tưởi. Thằng Trạng chuyển trường sau ba lần bà bắt gặp thằng con trai của mình nắm tay cậu thanh niên kia đi về. Hôm dọn nhà về quê, hành trang mang theo chỉ có bộ đồ dính da. Bà không cho phép nó mang bất cứ vật gì bên mình. Bà tin vào lời nói của ông thầy pháp ở miệt Kinh Cùng, thằng con bà bị ma ám, bị người trong cơ quan chồng bà yểm bùa, yểm ngải, tranh chức đoạt quyền. Đưa nó về quê, bước ra khỏi căn nhà đó thì thằng con sẽ trở lại bình thường. Căn nhà dưới quê bỏ trống từ dạo chồng bà lên chức chủ tịch, giờ nó lại là chỗ để mẹ con bà nương tựa vào nhau. Ông Chín Sứ cũng không mấy bận tâm việc mẹ con bà ở đâu. Ông chỉ sợ một khi cái giới tính của thằng con trai bị lộ, ông sẽ không còn mặt mũi ngước nhìn đời. Cấp dưới sẽ xì xầm nhau lúc ông vắng mặt, dòng họ sẽ nói gì khi hay tin đứa cháu đích tôn là kẻ “hồn sâu xác bướm”. Ông chỉ cần thằng Trạng cưới vợ, sanh một đứa con trai rồi nó muốn làm gì thì thây kệ, có chết bờ chết bụi ông cũng không màng tới. Bà Chín Sứ khuyên thằng Trạng biết bao nhiêu lần nhưng cái lắc đầu ngơ ngác đâu có làm bà từ bỏ.
Thằng Trạng bước qua cái mẻ un được đốt từ đủ các loại lá trừ tà. Vẻ mặt thất thần của nó không làm cho nỗi day dứt trong bà lớn lên. Công cuộc tìm lại đứa con trai không cho phép bà mủi lòng. Căn nhà được dựng lên từ những vật cũ càng còn sót lại, mùi ẩm mốc vẫn chưa tan, những con chuột dần mất nhà đang gặm nhấm nỗi buồn, hẳn là vậy. Đêm đầu tiên ở nhà cũ, tiếng bìm bịp kêu vọng ra từ trong đám lá mà không phải là tiếng gõ mõ tụng kinh. Bà Chín Sứ ngủ ngon lành sau một ngày quanh quẩn bên đống đổ nát. Thằng Trạng nằm im, day lưng vào vách. Ký ức như mớ dây treo cổ sẵn sàng bóp nghẹt con người ta.
Ngày đầu tiên đi học, thằng Trạng mang về nhà tám vết thương. Bà Chín Sứ mừng ra mặt. Cuối cùng, thằng con trai quậy phá ngày nào của bà đã trở về, không còn yếu ớt gặp gì cũng sợ như hồi còn ở tỉnh. Bà Chín Sứ rửa vết thương cho con mà miệng cười thầm. Bà đâu biết nó xông vào đánh đám bạn cũ chỉ vì câu nói y chang hồi tiểu học “đồ cái thứ bán xà bông”. Từng vết thương trên người thằng Trạng đều lành lại theo thời gian, chỉ có vết thương ở lòng là vá víu kiểu gì cũng còn hở miệng. Hồi nhỏ, mỗi lần thằng Trạng bị bạn bè trong lớp chọc ghẹo, tuột quần coi cu, bà Chín Sứ còn bận giật chồng ra khỏi tay bồ nhí, ông Chín Sứ thì bận bưng ly bia đi hết bàn này rồi đến bàn khác, nói chuyện trên trời.
Hàng xóm cũ lú đầu vào nhà xởi lởi, có người vì nhớ nhau mà đến, có người đến vì lý do hết sức buồn cười, kiểm chứng lời đồn. Coi thực hư chuyện ông chủ tịch tỉnh nọ có bồ nhí, tống cổ vợ con về quê, kháng cự sao nỗi. Cánh cửa nhiều năm đóng chặt không giữ lại được hơi người, câu nói bâng quơ của bà đẩy xe bánh lọt trước nhà nhẹ hều mà vọng vào đâu cũng chua chát.
- Chắc bị bỏ nên mới trồi đầu về đây.
Bà Chín Sứ nở nụ cười méo xẹo trong khi thằng Trạng lấy thau nước lau nhà hắt xuống mặt đường văng tung tóe. Bà bán bánh lọt đẩy xe đi vẫn không quên bỏ lại mớ lời đắng ngắt. Nửa đêm giật mình tỉnh giấc, thằng Trạng lại nghe tiếng tụng kinh quen thuộc, bài kinh tiếng Phạn rối mù mà nó nghe đến thuộc lòng. Dường như chỉ giữa những tiếng kinh, bà Chín Sứ mới thấy mình không bị lẻ loi. Như người chết đuối tìm được chiếc phao, bà tin vào đấng tối cao với phép màu có thật. Thằng Trạng thì chẳng bao giờ tin vào những câu kinh đó có thể kéo con người ta ra khỏi hố đen cuộc đời mình. Nếu như trên đời này thật sự có phép màu, nó đã không bị đánh ngã nhào vì ướm lên mình bộ đầm xếp ly, con búp bê không bị chặt đứt đầu rồi quăng vào bếp lửa, bàn tay nó đã không bị sưng phù mỗi khi quệt lên đó chút màu nhợt nhạt. Ông Chín Sứ luôn biết cách ném con trai mình vào những cuộc vui bằng mớ thành tích học tập vẻ vang, ngoan hiền nhất xóm. Ông đâu biết rằng, chiếc áo ông vừa mới trao rộng quá. Nó bằng lòng trở thành một người tầm thường, được sống với những khát khao của mình, chứ không phải sống vì giấc mơ của người khác.
Thằng Trạng lại trở về nhà mang theo chi chít vết thương. Nhưng có vẻ lần này nặng hơn so với những lần trước. Bà Chín Sứ chở nó ra trạm xá, cô y tá cạo hẳn một lõm tóc để khâu vết thương, từng mũi kim cứ xiên qua da thịt nó. Bà Chín Sứ nắm chặt tay con, miệng vẫn không ngừng hỏi, “Có đau lắm không con”. Đáp lại bà là ánh mắt buồn rười rượi. Cô y tá cắt chỉ nhìn thằng Trạng lắc đầu “Học sinh gì mà du côn quá chừng”. Thằng Trạng nhếch miệng cười “Má tui muốn tui như vậy”. 
Đường về nhà thăm thẳm, chiếc đò dọc băng qua những hàng dừa nước rũ mình trên bến. Thằng Trạng nằm bất động, chỉ có tiếng thở đều đều là có thể phân biệt được nó với mấy miếng ván lót sàn cũ mục. Cơn mưa chiều lất phất, bà Chín Sứ lấy nón che mặt cho con. Bữa đó bà che kỹ lắm nhưng không biết dột từ đâu mà cái gối ướt nhèm. Thằng Trạng húp vài muỗng cháo rồi chui vào mùng ngủ, bà Chín Sứ ngồi cạnh canh chừng con. Đêm ấy bà không tụng kinh, cho nên bà nghe rõ từng lời trong lúc nói mớ của thằng con.
Bà Chín Sứ xách nón ra về, bà có bước nhanh cỡ nào cũng không bước ra khỏi mớ lời của ông thầy giáo “em Trạng thường tô son khi đi học”. Đám bạn trong trường đem mấy tấm ảnh của thằng Trạng ra chọc quê, dán khắp trường. Vết thương ở đầu còn chưa kịp lành, nó đã quăng cặp xuống xông vào cuộc chiến mới. Bà Chín Sứ nắm chặt khúc cây đứng hăm he bên đường sẵn sàng phang vào bất cứ ai dám động vào con bà. Đám học trò được phen khiếp vía, chúng rời đi mà miệng vẫn không ngừng hét lớn, đồ thứ bê đê. Bà Chín Sứ ngồi bệt xuống ôm mặt khóc mà thằng Trạng cứ dửng dưng như không có chuyện gì, nó đứng dậy ôm cặp đi về nhà như bao lần trước. Hai bên đường cỏ dại mọc đầy, nó có thể nhớ được từng gốc cây bụi cỏ nơi này. Chỗ có cây mắc cỡ đâm vào lưng đau động trời là lần đầu nó gặp lại đám bạn cũ với câu nói quen thuộc “bán xà bông”, chỗ có khúc dừa mục đập vào ngực khiến nó mất thở là lúc đám bạn lục cặp bẻ gãy cây son màu hồng cánh sen, chỗ có mấy cục đá tấn bến làm nó bể đầu là lúc đám bạn chuyền tay nhau bức ảnh người ta tung lên mạng. Con đường đó, bà Chín Sứ chưa bao giờ đi qua…
Ông Chín Sứ làm um trong điện thoại khi thấy mấy tấm ảnh thằng Trạng xà nẹo với thằng con trai khác trên giường. Bà Chín Sứ buông điện thoại, bỏ quên những tràng âm thanh được phát ra từ thứ kim loại lạnh ngắt. Mọi thứ như sụp đổ dưới chân bà, thằng Trạng tự tay rửa vết thương rồi soi mình trong gương. Nó đưa tay lên mặt xuýt xoa, bàng hoàng khi nhận ra hốc mắt của mình thâm đen. Nó nhìn bà Chín Sứ cười.
- Chắc mai con để tóc dài.
Đêm thằng Trạng bỏ nhà đi. Bà Chín Sứ còn ngồi gõ mõ tụng kinh, nó nhận ra giọng bà Chín Sứ lạc đi lúc khép hờ cánh cổng rào. Mọi thứ sẽ tái sinh từ đêm, lòng người rồi cũng vậy. Thằng Trạng tin vào điều đó lúc nó quỳ lạy trước nhà. Nó bước đi mà không ngoái đầu nhìn lại. Tất cả đều ở lại, vẹn nguyên trong căn nhà có tiếng gõ mõ tụng kinh.
2. Buổi chiều mưa rả rích, bà Chín Sứ ngồi bó gối trong ghe ngó mấy cụm lục bình trôi xớ rớ. Dòng nước vô tình đưa bà qua không biết bao nhiêu nóc nhà, những bãi bờ không tên nhưng tất cả đều không thể lưu lại dấu chân trốn chạy của thằng con trai với giấc mơ trở thành con gái. Ông Chín Sứ từ mặt con, mớ lời biện minh trở nên thừa thãi khi thằng Trạng cắt lìa cái thứ giống nòi đi như cách nó bỏ dấu nặng trong tên mình trong tờ căn cước. Từ dạo đó, trên sân khấu có ánh đèn chấp chới, cô ca sĩ Hoàng Trang hằng đêm vẫn hát những bản tình ca nghe buồn đứt ruột. Dưới sân khấu, người ta vẫn thấy một người đàn bà khắc khổ cầm xấp ảnh trên tay, với đôi mắt buồn thăm thẳm. Hình hài trước mặt bà đâu phải là đứa con trai bà cố gắng dùng mọi cách mới có được. Năm thằng Trạng còn đỏ hỏn, mắt nhắm tịt, bà dứt nó ra khỏi vòng tay của cô thư ký ở cơ quan chồng. Đem thằng Trạng về nhà, nó khóc thiếu điều ói ra mật xanh, dỗ kiểu gì cũng không nín. Ông Chín Sứ bận tranh ghế cũng để mặc bà muốn làm gì thì làm. Cô thư ký nhận được một xấp tiền “đi xứ khác mần ăn” sau mấy bận bà cho giang hồ tìm xuống tận nhà ở quê làm cho ra lẽ. Thằng Trạng mang đến cho bà niềm vui được làm mẹ, được thức khuya canh con sốt, được ngồi rầu rĩ chống cằm, coi hôm nay phải nấu món gì, mua sữa loại nào thì tốt… Sự bận bịu của một người mẹ cuốn bà ra khỏi thế giới bên ngoài, bà cũng y như những người mẹ hết lòng vì con, đầu tóc bù xù, mặt mày không chút phấn son. Bà cũng để mặc những người con gái khác ngả vào lòng chồng. Năm thằng Trạng đi học mẫu giáo, bà đứng ngoài cửa lớp nhìn vào. Hễ thấy thằng Trạng bị bạn bắt nạt, bà tức tốc chạy vào can ngăn, cô giáo cũng mỏi chân sau mấy bận mời bà ra khỏi lớp, cứ như bà chỉ cần lơi thằng nhỏ ra một chút, sẽ có người đến bắt nó ra khỏi tay bà.
Buổi biểu diễn kết thúc, đám thanh niên trong xóm vẫn còn nán lại liếc mắt đưa tình với mấy cô ca sĩ trong đoàn. Bà Chín Sứ luôn biết cách bảo vệ con mình với đám “đực rựa” vẫn hay dắt những “bà bóng” trong đoàn vào bụi lùm gần gánh lô tô. Hoàng Trang ngồi trong ghe nhìn ra hướng bụi lùm rung rinh, trút bỏ hết phấn son, quần áo. Những đường nét thô kệch của đàn ông lì lợm ở lại mà cô rũ bỏ kiểu gì cũng không hết. 
- Chắc em đi đoàn khác.
Trang nói với bà chủ đoàn trong lúc nhìn người đàn ông vừa bước ra khỏi bụi lùm cúi mặt xuống kéo dây khóa quần, theo sau là cô đào hát lô tô đang cài lại dây áo ngực. Bà Chín Sứ mắt nhắm ghì, miệng nhẩm những câu kinh quen thuộc nên đâu đã thấy ánh nhìn ráo hoảnh của Hoàng Trang. Người nằm trong bụi lùm kia, cùng ngã rập với cỏ, cùng quấn nhau trong hơi thở dồn đáng ra phải là nó. Lần này, chắc nó phải đi đâu đó thật xa.
3. Cô đào lô tô Hoàng Trang duyên dáng, có giọng hát ngọt ngào chẳng khác con gái là mấy (theo lời của gánh đàn bà dò số). Đám con gái trong xóm nhìn mái tóc khô cứng như rạ của mình lắc đầu, lúc nhìn thấy Hoàng Trang chải mái tóc đen nhánh, mượt mà. Hoàng Trang cười thẹn thùng lúc có người khen “y chang con gái”. Cô thường cho bánh kẹo đám trẻ con trong xóm rồi hỏi “mấy cưng thấy chế có đẹp hông”. Túi bánh kẹo vơi dần đi mà trong đám trẻ thể nào cũng có đứa thật thà quá đáng “trái cổ bự quá” hay khi lớp phấn son không thể che đi hàm râu mới ra lúng phúng. Hoàng Trang ngồi ngó mình trong bóng nước, từng dòng nước lững lờ trôi đi, có lúc cô thấy mình giống như người đàn bà xõa tóc bên sông đợi chồng về. Tiếng cười lũ trẻ là thứ âm thanh vọng vang lâu bền nhất trong lòng Trang. Tự dưng lúc đó, cô cũng muốn có một đứa con để ẵm bồng.
Đám thanh niên nhậu xỉn nửa đêm mò xuống ghe khều giò mấy “bà bóng” hát lô tô. Chiếc ghe lắc lư theo từng nhịp thở của Hoàng Trang, niềm khát khao được quấn chặt trong thân thể người đàn ông lực điền luôn thôi thúc cô cài hờ cửa vào mui ghe. Tên thanh niên đổ ập lên người rồi ngã lăn qua thở hổn hển phà từng hơi rượu cay nồng “vú gì bên bự bên nhỏ”. Hoàng Trang đưa tay mân mê bầu ngực, đám thanh niên lục đục chui ra khỏi ghe phóng lên bờ như trối chết. Gió đêm ràn rạt thổi qua, tiếng con bìm bịp kêu buồn một khúc sông.
Hoàng Trang nhếch miệng cười lúc ông già cầm cây rượt thằng con trai nheo nhẻo đêm qua xuống ghe lắc lư cùng… mấy bà bóng. Người mẹ cầm chổi chà dứ dứ đòi đốt ghe. Hoàng Trang thổi vào bộ móng vừa mới sơn cười dửng dưng.
- Có chửa đẻ gì đâu mà làm dữ.
Câu nói đó không làm cho cơn tức giận trong lòng người đàn bà nguội lạnh, bà chủ đoàn phải đứng ra dàn xếp, Hoàng Trang vẫn bận ngó coi tối nay mặc đầm hay sườn xám. Nghĩ, đám thanh niên chắc phải cố thủ trong nhà một thời gian mới dám bước ra đường nhìn mặt thiên hạ. Gã thanh niên đêm qua thở hổn hển luôn miệng nói “không bằng” vén đám lá dừa nước lú mặt nhìn ra trong tuyệt vọng mênh mông. Hoàng Trang bới lại đầu tóc, xách đồ nghề đi coi bói dạo. Một công việc tìm kiếm hơi người giữa lúc đám chị em ghì đầu vào bài bạc. Những sợi chỉ tay dẫn dụ con người ta đi hết mê lộ này đến mê lộ khác. Bộ bài ba mươi hai lá cũng kể con người ta nghe những biến thiên trong cuộc đời. Trang tin vào những điều như thế khi bữa chiêm bao có người về báo mộng, sau cái hôm cô tình cờ đọc được quyển Tử vi trọn đời trong mớ đồ còn sót lại của đàn chị Hương Ly thịt da rụng rời trước ngày tàn.
4. Bà Chín Sứ quăng bị đồ xuống trước mặt, nở nụ cười như thể đã quen biết từ lâu. Bà chủ đoàn mới ngồi chéo nguẩy lưng dựa vào ghế, nhướng mắt về phía Trang.
- Bà già đeo dai như đỉa đó hả?
Hoàng Trang bày ra nụ cười như ai đó vừa đơm lên mặt. Một cuộc gặp không mừng rỡ, không nước mắt. Bữa ngó coi chương trình “Lạc nhau biền biệt” trên truyền hình, thấy kiếm người khó như lên trời. Vừa hở tay nhau ra có chút mà đã mỏi mòn ly biệt. Người liên lạc chẳng tìm kiếm được bất cứ thứ gì từ những chi tiết sơ sài được chắp nối của người thân, minh chứng cho thấy họ từng có mặt trên đời. Vậy mà Trang trốn kiểu gì cũng được (bị) tìm thấy.
Bà Chín Sứ lẽo đẽo đi phía sau như thể bà đã thân thuộc hết mọi ngóc ngách trong ghe. Đám chị em trong đoàn tranh nhau nhắc Hoàng Trang mấy câu đại loại như: có bỏ đoàn đi thì nhớ trả cái áo ngực mút, chân hụi chết còn ba lần nữa mới mãn, ở bến Sầu Đâu còn bỏ quên thằng bồ nhí “nửa hột”… Bà Chín thiếp đi lúc nào không hay, tóc tai rối bù kèm với tiếng ngáy o o minh chứng cho đoạn đường dài bà để lại sau lưng. Chủ đoàn ngó ra sông.
- Hay để tao đuổi bả đi.
Không đợi Hoàng Trang đáp lại, từng chữ được thốt ra như bị ý nghĩ “nhắm đuổi được không” nắm níu, chát đắng nơi cổ họng. Ngó thấy thái độ dửng dưng của Hoàng Trang, đám chị em trong đoàn tức thiếu điều muốn dập phổi, như thể việc xuất hiện của bà già không ảnh hưởng gì đến… hòa bình thế giới. Hoàng Trang tủm tỉm cười, nháy mắt với thằng con trai vừa mới vỡ giọng đứng dựa cột trên bờ nhìn xuống. Bến sông chiều tấp nập người ghe, những cuộc hẹn hò chờ nhau coi hát lô tô làm những cô đào thấy xốn xang trong lúc dặm lại phấn son trên mặt. Mấy bài hát xập xình có phần “trớt quớt” không làm vơi đi vẻ hăm hở của những bà già tò mò “rồi nó đái bằng đường nào”. Bữa đó trời mưa lất phất, bà Chín Sứ ngồi trong mui ghe nhìn thằng con trai (dù chỉ còn trái cổ là dấu hiệu cuối cùng minh chứng nó từng đứng đái) đang hát bài trách phận đời nghiệt ngã. Khán giả bỏ về gần hết, chỉ còn lác đác một vài người còn nán lại, không rõ lý do. Giây phút đó, Hoàng Trang chợt thấy lại cuộc đời mình trong ánh mắt của thằng con trai bị mẹ lôi về xồng xộc khi ướm cái khăn lên đầu làm tóc giả.
Ngày thứ mười lăm, bà Chín Sứ vẫn chưa thôi từ bỏ. Những người phụ nữ cùng bà lót nón ngồi bệt xuống cỏ liên tục chặc lưỡi “vậy sao, mèn đét ơi”. Hoàng Trang nói, nghe riết rồi cũng quen, có bữa vắng thành ra cũng buồn. Chị chủ đoàn cà lơ phất phơ cũng gần như nhớ được từng cái nốt ruồi trên người của Hoàng Trang thông qua mớ ký ức mà bà Chín Sứ rải dài theo ghe. Có mấy chi tiết gắn lên người ngờ ngợ, Hoàng Trang chưng hửng “ủa bộ có nữa hả”, mỗi bận đám chị em trong đoàn ngó qua nhìn. Qua tới bến thứ sáu, bà Chín Sứ hỏi với lúc Trang phóng lên bờ buộc dây ghe.
- Rồi chừng nào về nhà.
Sự im lặng diễn ra dài dằng dặc. Tuyệt nhiên, bà Chín Sứ không kể thêm cho bất cứ ai nghe về thằng con trai ở thì quá khứ của mình nữa. Mấy lần chị chủ đoàn định phá vỡ bầu không khí nặng nề ấy mà chẳng ăn thua. Có người hỏi Hoàng Trang, coi bói cho người ta linh vậy, sao không thử bói một quẻ cho mình. Hoàng Trang cúi mặt cười “trời định số khổ rồi. Coi chi nữa cho mất công”. 
Sân khấu xuống đèn, Hoàng Trang trầm mình trong đêm. Bà Chín Sứ nằm trong mùng trằn trọc không nguôi. Đám chị em trong đoàn bày tiệc nhậu linh đình cho cuộc giã từ tìm bến khác. Chị chủ đoàn cầm ly rượu cụng tới cụng lui ngắc ngứ. Đám chị em lên bờ xuống ruộng với cuộc vui hết lốc. Bà Chín Sứ dỡ mùng cầm đèn ra kéo Hoàng Trang xuống ghe. Hoàng Trang khoác vai bà Chín Sứ ngả nghiêng.
- Má thấy tôi giống con gái chưa má.
Đám chị em phá lên cười.
- Không có đứa con gái nào mà vú bên bự bên nhỏ hết.
Hoàng Trang đưa tay lên chỉnh lại cặp ngực, di chuyển cỡ nào cũng lệch. Con bóng mén Quế Hương xách chai silicon lỏng đặt xuống bàn.
- Bên nào nhỏ thì chích vô. Nhằm chừng nào đều nhau thì thôi. Dễ ẹt.
Hoàng Trang vội vàng cầm ống tiêm bơm vào ngực mình, nó cũng không quên nhờ đám chị em ngắm nghía đủ đường. Ý nghĩ có được bầu ngực căng đầy lấp ló sau lớp áo làm nỗi đau gia giảm đi ít nhiều. Chị chủ đoàn chỏng mông lên cho Quế Hương bơm silicon vào, chị còn đưa tay ướm lại ngực Hoàng Trang gật gù. Chai silicon trống trơ nằm lăn lóc dưới bàn nhậu. Ngoài mé sông những cơn gió hấp hối rì rào bờ lá, chiếc ghe chòng chành bị nuốt chửng vào đêm. Bà Chín Sứ ngồi trước mũi ghe nhìn về phía cái bóng đèn cà na đục mò, ở chỗ ấy có những con người đã bị bỏ quên từ lâu...
5. Hoàng Trang chết trên đường đưa đi cấp cứu, đám chị em cũng nhận đủ các loại biến chứng với mớ silicon không rõ nguồn gốc. Bà Chín Sứ ôm con gào khóc, nhất quyết không chịu cho đò dọc quay về, chỉ đến khi nhận được cái lắc đầu lạnh lùng của bác sĩ bà mới ngồi sụp xuống với ánh nhìn ráo hoảnh. Đò rời bến trạm xá như bao lần bà cùng thằng con khâu vá lại vết thương, những vết sẹo chi chít giờ tái nhợt. Từng đợt sóng tạt vào người bà lạnh buốt. Lần này thằng con trai của bà sẽ không thay đổi thêm bất cứ thứ gì trên người của mình nữa. 
Bà Chín Sứ ôm khư khư hũ tro cốt trong lòng. Không cho phép bất cứ ai được lại gần. Bà sẽ không để Hoàng Trang rời xa bà thêm một lần nào nữa. Bà gào khóc, quằn quại như thể đang đứng cao hơn tất thảy những người đang có mặt ở đó. Bà chỉ thẳng mặt từng người trong đoàn.
- Tụi mày giết chết con tao.
Bữa Quế Hương che dù cho chị chủ đoàn rải tro cốt của Hoàng Trang xuống bến Mồ Côi, nghe đâu ông Chín Sứ còn đang bận với cuộc gặp gỡ trước ngày tranh ghế. Hũ bột mì trong tay bà Chín Sứ không biết chừng nào mới lên mốc? Tới chừng đó, chắc Hoàng Trang đã đi đủ xa...
            

N.C.N
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 91
 Hôm nay: 4971
 Tổng số truy cập: 9242161
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa