Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Lý luận phê bình Văn nghệ Thanh Hóa - Nhìn lại một hành trình - HỎA DIỆU THÚY
Lý luận phê bình Văn nghệ Thanh Hóa - Nhìn lại một hành trình - HỎA DIỆU THÚY


       1. Thuở ban đầu...
       Năm 1948, Hội Văn nghệ kháng chiến khu IV được thành lập tại đình làng Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa. Đây là dấu mốc quan trọng cho việc hình thành một không gian văn hóa kháng chiến cho xứ Thanh, là cơ sở nền móng cho văn nghệ địa phương hình thành. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1955, Ty Văn hóa Thanh Hóa nhanh chóng thành lập, cùng thời gian ấy, tập san Người bạn văn hóa ra đời đáp ứng phong trào sáng tác và cổ vũ sáng tác ở vùng “Chiến khu văn nghệ” một thời giờ đây đang hăm hở khẳng định cách mạng và cuộc sống mới.
       Năm 1969, Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Nghị quyết về việc thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa (NQ số 314-NQTU, ngày 3-9-1969), tháng 12 năm ấy, ủy ban hành chính Thanh Hóa ra quyết định về việc thành lập Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ (NQ số 15 H-UBTH, ngày 6-12-1969). Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ đã phải vận động mất 5 năm, thật ra, đó là 5 năm chuẩn bị lực lượng đủ mọi phương diện và khi thực tiễn đã chín muồi thì ngày 17 tháng 6 năm 1974 đã đi vào lịch sử đời sống Văn nghệ Thanh Hóa, bởi đây là ngày khai mạc kỳ Đại hội đầu tiên gắn liền với việc thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Đại hội diễn ra trong 3 ngày tại thị xã Thanh Hóa, với một Ban Chấp hành 21 ủy viên. Ngay từ đại hội đầu tiên này, Hội Văn nghệ Thanh Hóa đã có cơ cấu 7 Ban chuyên ngành trên cơ sở của 92 hội viên hoạt động trong tất cả các lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ban Lý luận phê bình cũng đã có mặt ngay từ đại hội đầu tiên này với các cây bút tiền bối: Hồ Nguyên Cát, Nguyễn Văn Nhã, Lê Xuân Đức, Nguyễn Huy Sanh, Hoàng Tuấn Phổ. Họ không chỉ là lực lượng nòng cốt của Ban mà còn là những trụ cột của Hội Văn học nghệ thuật non trẻ.
       2. Quá trình hoạt động và những đóng góp
       Kể từ khi thành lập, Ban Lý luận phê bình Hội VHNT Thanh Hóa đã trải qua 8 kỳ đại hội với các Trưởng Ban lần lượt là: Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Huy Sanh, Lê Xuân Đức, Nguyễn Mạnh Hùng, Hỏa Diệu Thúy.
        So với các Ban chuyên ngành khác, Ban Lý luận phê bình luôn trong tình trạng lực lượng khiêm tốn, dường như chưa kỳ đại hội nào, lực lượng của Ban vượt qua con số 10 thành viên. Tuy nhiên, trải qua hơn 40 năm hoạt động, Ban Lý luận phê bình luôn nỗ lực cống hiến và sáng tạo, có những đóng góp riêng vào sự phát triển chung của Hội Văn học Nghệ thuật.
       Hồ Nguyên Cát chính là người phụ trách mục Tình thơ ở tập san Người bạn văn hóa, kết quả sau 10 năm, ông đã cho ra mắt tập nghiên cứu phê bình đầu tiên của Hội Văn nghệ Thanh Hóa, tập Tình thơ (1977). Nhìn chung, ở giai đoạn đầu, hoạt động Lý luận phê bình chủ yếu là sự kết hợp giữa những cây bút trong Ban và ngoài Ban. Những cây bút khảo cứu và nghiên cứu văn nghệ dân gian, như: Vũ Ngọc Khánh, Minh Hiệu, Vương Anh, Hoàng Tuấn Phổ, Hoàng Anh Nhân, Trọng Miễn; Mai Bình, Hà Khang (kịch); Lê Quang Nghệ (âm nhạc), Lê Đình Quỳ (điêu khắc) và nhưng cây bút sáng tác, như: Nguyễn Ngọc Liễn, Mai Ngọc Thanh, Mạnh Lê, Văn Đắc... đã tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu, phê bình. Họ khiến cho diện mạo nghiên cứu phê bình của văn nghệ Thanh Hóa trở nên phong phú và sôi nổi. Không ít tác giả đã để lại những công trình khảo cứu - nghiên cứu giàu ý nghĩa và giá trị. 
       Giai đoạn gần đây, lực lượng phê bình được bổ sung thêm những cây bút đến từ trường đại học và viện nghiên cứu nên hoạt động nghiên cứu được tăng cường về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay thành viên của Ban Lý luận phê bình gồm 10 thành viên: Nguyễn Xuân Dương, Hoàng Tuấn Phổ, Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Mạnh Hùng, Hỏa Diệu Thúy, Hoàng Tuấn Công, Thy Lan, Nguyễn Thanh Tâm, Lê Xuân Soan, Lê Như Bình.
       Một số hoạt động tiêu biểu của Ban Lý luận phê bình những năm qua:
       Hoạt động chung: Năm 2012, dưới sự chỉ đạo và tài trợ của Hội VHNT Thanh Hóa, Ban Lý luận phê bình đã xuất bản công trình in chung Lý luận phê bình văn học Thanh Hóa. Mặc dù trong dung lượng hạn hẹp, cuốn sách đã tập hợp giới thiệu những bài viêt tâm đắc của các tác giả, đồng thời cho thấy một góc nhìn về văn học nghệ thuật xứ Thanh. Năm 2013, Ban Lý luận phê bình tổ chức Hội thảo khoa học: Thơ Thanh Hóa thời kỳ đổi mới.
       Trước hết phải kể tới nỗ lực và khả năng làm việc của hai cây bút lão thành trong Ban Lý luận phê bình nói riêng, Hội VHNT nói chung: Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ là hội viên Hội Văn nghệ Thanh Hóa từ khóa đầu tiên, 1974, ông còn là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Trong hơn bốn mươi năm gắn bó với Hội VHNT Thanh Hóa, Hoàng Tuấn Phổ đã xuất bản hàng chục đầu sách thuộc nhiều loại hình thể loại với nhiều giải thưởng của nhiều tổ chức Hội Văn nghệ từ trung ương đến địa phương. Công trình nghiên cứu phê bình Trong mắt tôi nhận giải A cho cả hai hạng mục: Giải thường niên Lê Thánh Tông và giải 5 năm của UBND tỉnh Thanh Hóa. Năm 2015, ở tuổi 80, Hoàng Tuấn Phổ chủ trì cùng với nhóm nghiên cứu hoàn thành công trình đề tài cấp Tỉnh: Tinh hoa văn hóa xứ Thanh. Đây là cây bút có sức làm việc dẻo dai, cần mẫn và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học Thanh Hóa trong lĩnh vực khảo cứu, nghiên cứu phê bình.
       Cây bút gạo cội khác của Ban Lý luận phê bình là Nhà giáo - nhà Nghiên cứu Nguyễn Xuân Dương. Ông sinh năm 1920, tham gia Hội VHNT Thanh Hóa năm 1987. Nhà giáo Nguyễn Xuân Dương hoạt động ở Ban trước hết với tư cách dịch giả, ông là tác giả chuyển ngữ của một số tác phẩm từng gây chú ý: Bí mật thành Pari, Những truyện cổ tích nổi tiếng thế giới, Những bà mẹ các danh nhân, v.v... Năm 2012 và 2013 Nguyễn Xuân Dương cùng với Lâm Phúc Giáp đã hoàn thành hai công trình quan trọng, đó là dịch thành công hai cuốn Le Thanh Hoa của Charlé Robequain và Laprovince de Thanh Hoa của Le Breton. Năm 2011, ông cho ra mắt cuốn Lần giở trước đèn là tuyển tập các bài nghiên cứu về tư tưởng và văn hóa, cuốn sách đã nhận giải thưởng Lê Thánh Tông năm 2012.
       Các cây bút: Trịnh Quốc Tuấn (cho đến trước khi mất) đã có 6 tác phẩm xuất bản, trong đó có 3 tập Tiểu luận phê bình; Lưu Đức Hạnh tham gia nhiều công trình biên soạn nghiên cứu về văn học Thanh Hóa và mảng văn học trong nhà trường; Nguyễn Mạnh Hùng là tác giả ba tập tiểu luận phê bình: Một vùng quê văn học (2005), Từ một góc nhìn (2009) và sắp ra mắt Sắc thái văn hóa xứ Thanh trong thơ Thanh Hóa; Tham gia Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa năm 2006, hiện là trưởng ban, Hỏa Diệu Thúy đã xuất bản hai công trình nghiên cứu lý luận phê bình: Truyện ngắn Việt Nam hiện đại (2007) và Văn học hiện đại Thanh Hóa (2012), cả hai công trình đều đạt giải B Lê Thánh Tông. Cây bút Hoàng Tuấn Công là tác giả của các bài báo nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Tâm huyết của tác giả dành cho công trình sắp ra mắt: Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân (phê bình và khảo cứu). Hai cây bút trẻ Nguyễn Thanh Tâm và Lê Thị Lan (Thy Lan) những năm qua có những hoạt động rất sức nỗ lực. Với Nguyễn Thanh Tâm, được làm việc trong môi trường học thuật là Viện Văn học thuộc Viện hàn lâm KHXH, tác giả đã trưởng thành nhanh, chỉ trong 3 năm, đã có ba đầu sách xuất bản (cả in chung và in riêng) đều thuộc lĩnh vực nghiên cứu phê bình: Loại hình thơ mới Việt Nam (1932-1945) - Giải nhì Lê Thánh Tông năm 2015, Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (2015), Khuynh hướng thơ tượng trưng và siêu thực trong thơ Việt Nam hiện đại (2016); Thy Lan đã mắt tập tiểu luận phê bình Mạch ngầm con chữ (2015) đạt giải C của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và giải B của ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 2016.
       Có thể nhận thấy tính chất “chuyên nghiệp” đang từng bước hình thành trong hoạt động nghiên cứu phê bình ở Hội VHNT Thanh Hóa. Sự đầu tư chuyên sâu đang được nâng dần ở cả nội dung lẫn phương thức, cách thức. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi trăn trở, rằng lực lượng nghiên cứu bán chuyên trách, rằng những hỗ trợ cho nghiên cứu còn yếu ớt và dè dặt, văn học nghệ thuật nói chung, lĩnh vực nghiên cứu nói riêng thuộc đối tượng đặc thù, cần có cơ chế quản lý đặc thù. Một xã hội quan tâm đến văn hóa, đầu tư cho văn hóa mới đích thực là xã hội văn minh.
                                                                                                 Thanh Hóa, tháng 4-2017
                                                                                                                   H.D.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 125
 Hôm nay: 5443
 Tổng số truy cập: 7679070
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa