Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Nghệ thuật Múa - Hành trình, chuyển giao và tiếp nối - NSƯT HOÀNG DÙNG
Nghệ thuật Múa - Hành trình, chuyển giao và tiếp nối - NSƯT HOÀNG DÙNG

       Nhìn lại chặng đường gian nan, đôi lúc chông chênh, quá trình hình thành và phát triển bộ môn nghệ thuật Múa chuyên nghiệp ở Xứ Thanh.
       Từ một bộ phận nhỏ chuyên về mảng biểu diễn múa của Đoàn Ca - Múa - Kịch được thành lập năm 1957 với không gian biểu diễn là sân kho, sân đình dưới ánh sáng của đèn măng xông, các nghệ sĩ múa đã di chuyển đi biểu diễn khắp nơi bằng chính đôi chân của mình, họ đi hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, đồng hành cùng quê hương, đất nước đóng góp vào công cuộc xây dựng và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
       Qua bao thăng trầm, hết sát nhập lại chia tách, quân số của nghệ sĩ múa nhiều lúc gần như mong manh, người ở, kẻ ra về, chuyển công tác, buồn bã nhìn nhau chia sẻ động viên nhau “Cố lên đồng nghiệp mọi khó khăn rồi sẽ qua đi”…
       Năm 1974, Hội VHNT Thanh Hóa thành lập ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ xứ Thanh, nghệ sĩ múa cũng vui mừng đón nhận thêm một “sân chơi” nữa để thể hiện đam mê của mình. Khi đó Ban “Âm nhạc và Múa” là một. Mặc dù khiêm tốn đứng bên người anh là Âm nhạc nhưng Múa cũng đã có những sự nỗ lực và thành quả. Khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1997 là những năm bùng nổ thêm các mảng biên đạo, huấn luyện, sưu tầm, gìn giữ và phát triển múa dân tộc. Thời gian này khẳng định sự đóng góp hết sức hiệu quả của NSND Hoàng Hải, Nghệ sĩ Thiều Quang Toa ở mảng biên đạo và huấn luyện. NSƯT Hoàng Dùng, NSƯT Hoàng Oanh ở mảng biểu diễn…
       Năm 1997 một cái mốc quan trọng được Đại hội VHNT Thanh Hóa lần thứ V, công nhận nghệ thuật Múa là Ban chuyên ngành độc lập tách ra từ Ban Âm nhạc, nghệ sĩ Thiều Quang Toa vinh dự được bầu làm Trưởng ban Múa của 2 nhiệm kỳ V và nhiệm kỳ VI. Trong 10 năm này, nghệ thuật Múa thực sự khởi sắc cả về số lượng và chất lượng, cũng là thời kỳ bùng nổ nghệ thuật múa quần chúng - từ các trung tâm, phòng văn hóa cấp tỉnh đều có các nghệ sĩ múa tham gia trực tiếp tại đơn vị, các trò diễn, múa dân gian các dân tộc được khôi phục, đặc biệt là sự kiện lễ hội, lịch sử, văn hóa diễn ra với quy mô hoành tráng đều có sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ múa ở 2 mảng Biên đạo và Biểu diễn.
       Nếu nói: “NSND Hoàng Hải là thế hệ thứ nhất”, “NS. Thiều Quang Toa là thế hệ thứ hai” thì sự chuyển giao sang thế hệ thứ ba thật “ngọt ngào”. Được thừa hưởng một nền tảng vững chãi, và cũng đúng thời điểm khoe sắc bốn phương, nghệ thuật Múa đã rơi đúng thời vụ thu hoạch những thành quả lao động sáng tạo. Trong nhiệm kỳ VII và nhiệm kỳ VIII đã có trên 600 tác phẩm và chương trình, hàng nghìn đêm biểu diễn do các nghệ sĩ múa sáng tạo, biểu diễn, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng - Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
       Trong số những tác phẩm và chương trình đó, Múa vinh dự được nhận nhiều huy chương Vàng, Bạc và sự tôn vinh của Chủ tịch nước cho các danh hiệu NSND, NSƯT, NNƯT.
       Đại hội Ban Múa vào ngày 26 tháng 05 năm 2017 là sự bàn giao uyển chuyển cho thế hệ thứ tư, một thế hệ trẻ, năng động, sáng tạo xứng đáng với truyền thống đã đạt được mà lớp đàn anh đã tạo dựng, phấn đấu vì nền nghệ thuật múa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, rõ nét sắc thái xứ Thanh.
                                                                                                            H.D


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 268
 Hôm nay: 2317
 Tổng số truy cập: 9244484
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa