Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Về nhà văn Từ Nguyên Tĩnh - Nguyễn Hữu Sơn
Về nhà văn Từ Nguyên Tĩnh - Nguyễn Hữu Sơn

1. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh vẫn luôn tếu táo, bao biện, tự trào mình là anh nhà quê: “Tớ dân quê”, “Tớ là anh nhà quê, thiệt thòi lắm”, “Tớ là tay viết văn nhà quê, chẳng ai biết đến”, “Văn tớ là văn nhà quê, không tranh cạnh được với thị thành”, “Tớ ở chốn thôn quê, vua không biết mặt, chúa chẳng biết tên”, “Ta ở nhà quê, xa trung tâm, thiệt thòi lắm đấy”, “ở tỉnh lẻ cũng có cái thiệt”, “- Ơ! Ơ này! Tớ là anh nhà quê! Thật đấy!”. Ông Từ Nguyên Tĩnh là văn sĩ nhà quê, - “Le Nhà Quê”, “Le Nha Que” (một bút danh của nhà phê bình Hoài Thanh (1909-1982) trên báo Tràng An, 1935-1945)...
2. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh sinh năm Đinh Hợi (1947) ở xứ Thanh, nhập ngũ năm 1965, suốt mười năm đời lính vẫn gắn bó với trận địa cầu Hàm Rồng và tuyến lửa xứ Thanh. Một thời bom đạn qua đi, “Sống sót được đã là may!” - Ông thường bảo thế. Đến tuổi “tam thập nhi lập”, ông quyết chí thi đỗ vào Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) và có bốn năm làm học trò Thủ đô (1978-1982). Học xong ông về quê, sự đời túc tắc đưa đẩy dần đến chức Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thế nhưng ông “Le Nha Que” ấy mỗi năm vẫn đều đặn về Hà Nội đôi ba lần và năm bảy lần công cán đến các vùng miền khác trong cả nước. Mãi tới năm Bính Thân (2016), ông lão “Le Nha Que” mới chính thức chuyển về Thủ đô, lặng lẽ sống trong căn nhà nhỏ bên hồ Đầm Trầm... Bước chân trải khắp dặm dài xứ sở, hỏi ông nhà văn “Le Nha Que” ấy có thật nhà quê không?
3. Khởi đầu từ tập ký sự Hàm Rồng ngày ấy viết chung với Lê Xuân Giang (hai tập, 1984-1987), nhà văn Từ Nguyên Tĩnh liên tục cho ra đời các tập truyện ngắn: Mối tình chàng Lung Mù (1992), Gã nhà quê (1993), Mùa yêu đương (1997), Kiếp cầm ca (2002), Chuyện lạ trên núi mắt rồng (2005), Người tình của cha (2006), Truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh I (2006), Truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh II (2011), Ngày bình thường của chiến tranh (2017); cộng thêm sáu tiểu thuyết: Mảnh vụn chiến tranh (1994), Không thành người lớn (1995), Cõi người (2004), Đời côi cút (2016), Truyền thuyết sông Thu Bồn (2008), Sống được là may (2014); rồi tiếp hai tập thơ: Bản thảo I (2007), Bản thảo II (2009), rồi lại thêm Trường ca Hàm Rồng (2000), Thơ Từ Nguyên Tĩnh (2014). Với thời gian trên ba mươi năm cầm bút, sức vóc lao động nghệ thuật như thế phải nói là bền bỉ, cần mẫn, đam mê, nghiêm túc, đạt hiệu suất cao. Hỏi ông nhà văn “Le Nha Que” ấy có thật nhà quê không?
4. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh viết nhiều và gặt hái khá nhiều thành công không chỉ ở trong tỉnh Thanh mà còn trong cả nước... Ông tạo được dấu ấn truyện ngắn Mẹ (Giải nhì - giải cao nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Sông Hương (1993). Ngay từ khi ra đời, truyện ngắn Người tình của cha (1991) đã nhận được sự chú ý của bạn đọc kể từ nhan đề đến nội dung, hệ thống nhân vật, cốt truyện. Đặc biệt khi Người tình của cha được chuyển thể thành phim và công chiếu trên màn ảnh nhỏ Đài Truyền hình Việt Nam (1994), bạn văn và độc giả trong nước càng biết đến nhà văn Từ Nguyên Tĩnh nhiều hơn. Kể từ niên học 2006 - 2007, truyện ngắn Người tình của cha được tuyển chọn vào chương trình tham khảo lớp 9, bộ môn văn học địa phương tỉnh Thanh. Truyện ngắn Mối tình chàng Lung Mù được trao Giải thưởng của Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh của Hội Nhà văn Việt Nam (1994). Truyện ngắn Hạnh phúc trần gian chuyển thể phim và được đài Truyền hình Đà Nẵng công chiếu (1995). Tiếp theo Trường ca Hàm Rồng nhận Giải C của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (2001), Từ Nguyên Tĩnh lại thành công với tiểu thuyết Cõi người (Tặng thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, 2004 - 2006)... Tầm vóc như thế, hỏi ông nhà văn Từ Nguyên Tĩnh “Le Nha Que” ấy có thật nhà quê không?
5. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh “Le Nha Que” là người rộng bạn. Có cả lớp bạn văn đàn anh, bạn hữu đồng trang lứa và em út. Có cả bạn ngoài Bắc, trong Nam, miền Trung và chính quê hương xứ Thanh. Thế nên khi ông có sách, bạn bèn gần cận nhớ ông, quý ông, quý văn ông, cảm thông với ông mà viết bài đọc sách, điểm sách, phác thảo chân dung, giới thiệu, bình luận, phỏng vấn, có người viết đến vài ba bài... Theo thời gian, số bài tăng dần lên, gom đủ thành tập phê bình trường hợp Từ Nguyên Tĩnh “bi hài trong cõi nhân sinh” với sự đóng góp của các cây bút: Văn Đắc (3 bài), Bùi Việt Thắng (3 bài), Hứa Linh Phượng (1 bài), Mạnh Lê (4 bài), Nguyễn Văn Lưu (1 bài), Hỏa Diệu Thúy (3 bài), Đỗ Văn Phác (2 bài), Nguyễn Minh Khiêm (1 bài), Nguyễn Thanh Tâm (1 bài), Huỳnh Hồ (1 bài), Nguyễn Hữu Sơn (2 bài), Nguyễn Khắc Phê (2 bài), Hồng Nhu (1 bài), Nguyễn Mạnh Hùng (1 bài), Tiêu Đình (1 bài), Nguyễn Thị Huệ (1 bài), Lê Dung (1 bài), Nguyễn Đức Thiện (2 bài), Thu Huyền (1 bài), Lưu Anh - Anh Chi (1 bài), Thy Lan (1 bài), Phạm Ngọc Chiểu (1 bài), Hoàng Thụy Anh (1 bài)... “Tứ hải giai huynh đệ”, thử hỏi ông nhà văn Từ Nguyên Tĩnh “Le Nha Que” ấy có thật nhà quê không?
6. Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh viết nhiều, viết khỏe đã đành. Nhưng ông còn là cây bút linh hoạt, đa năng, đa diện, đa phong cách, đa giọng điệu, sáng tác đủ các thể loại, từ tự sự đến trữ tình, từ ký sự, truyện ngắn đến tiểu thuyết, từ thơ đoản thiên đến trường ca... Ai cũng biết ký sự đòi hỏi trải nghiệm thực tế, truyện ngắn đòi hỏi nghệ thuật xây dựng nhân vật và cốt truyện, tiểu thuyết đòi hỏi khả năng phản ánh hiện thực rộng lớn, thơ ca đòi hỏi cảm xúc tinh tế,... vậy mà nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đáp ứng đầy đủ. Ông thuận đều cả hai tay, đá đều cả hai chân. Hầu như ở thể loại nào ông cũng có đóng góp, chưa đạt đến hàng xuất sắc nhưng luôn vượt lên nhàng nhàng, xếp loại khá, kể cả nhận các loại giải thưởng từ các cuộc thi và thường niên, từ cấp tỉnh đến quốc gia... Bút lực đa diện như thế, thử hỏi ông nhà văn Từ Nguyên Tĩnh “Le Nha Que” ấy có thật nhà quê không?
7. Sáng tác của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đa dạng về thể loại và cũng thực sự phong phú về hệ thống chủ đề. Chủ đề quy định thể loại hay thể loại mời gọi, kết nối chủ đề? Chỉ biết nhà văn Từ Nguyên Tĩnh trình diễn một hệ thống chủ đề thật đa dạng, theo sát tiểu sử, hành trạng và kinh nghiệm cuộc đời ông: Có vấn đề chiến tranh và thời hậu chiến; có nông thôn truyền thống và đô thị hiện đại; có miền núi, đồng bằng và biển đảo; có số phận dân tộc, đất nước và bi kịch cá nhân; có tiếp nhận, phát triển và hội nhập quốc tế; có tình yêu, hôn nhân và gia đình... Với khả năng chiếm lĩnh hiện thực phong phú như thế, thử hỏi ông nhà văn “Le Nha Que” Từ Nguyên Tĩnh ấy có thật nhà quê không?
8. Xét trên tổng thể, văn Từ Nguyên Tĩnh thực sự đa thanh, đa giọng điệu với đủ những “Tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố”. Văn ông có đủ tiếng nói “Yêu, căm, chiến, lạc” qua các trang ký viết về một thời bom đạn hào hùng của Hàm Rồng xứ Thanh chống Mỹ cứu nước, có tiểu thuyết đậm chất anh hùng ca và sử thi, có âm hưởng bi hùng về không ít phận người thời hậu chiến, có bước đi chao đảo, chập choạng của thời cuộc đan xen cũ - mới, có hoài niệm đắng cay về những mối tình xưa, có yếu tố huyền ảo và triết lý về thân phận con người, có bút pháp giễu nhại và bi hài trước thực tại đang vận động, chuyển hóa, đổi thay... Với bút pháp nghệ thuật sắc nét, đa dạng như thế, thử hỏi ông nhà văn “Le Nha Que” Từ Nguyên Tĩnh ấy có thật nhà quê không?
9. Sáng tác của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh cơ bản thuộc về thời hậu chiến và Đổi mới, đồng hành với công cuộc Đổi mới đất nước. Thế cho nên dù có ngoái lại quá khứ, có tìm về truyền thống chăng nữa thì về cơ bản ông vẫn gắn bó với thực tại, trăn trở với những vấn đề đang đặt ra trong thực tại. Ông vượt nhanh qua tâm thế của dòng văn học vết thương, tinh thần phản tư để nhập cuộc đời sống mới, thách thức mới, vận hội mới. Ông cập nhật những “vấn đề thời đại”, “nhân vật thời đại” (người lính thời hậu chiến, hài cốt lính Mỹ, ô sin, bà đồng cốt, tệ nạn ma túy, gái làm tiền, du học, chuyện Việt kiều, hiện tượng gái Việt chồng Tây...). Đơn cử truyện ngắn Dì Tư có kết cấu theo lối "thủ vĩ ngâm", theo đường vòng tròn, đoạn kết gần như lặp lại đoạn mở đầu, tạo nên dư âm về một hiện tại vững bền, còn toàn bộ quá khứ với bộn bề cảnh ngộ, sự kiện, nối tiếp chỉ là hồi ức mờ ảo. ở đây, dì Tư vừa trực diện trải nghiệm và cũng là nhân chứng của cuộc chiến khốc liệt: chồng và hai con hy sinh, người chồng sau không trở về. Rút cuộc dì Tư về lại làng xưa với ban thờ hai người chồng, bốn đứa con và nghẹn lòng bảo: "Má chỉ làm được một giỗ thôi, Hai à. Má lấy ngày ba mươi tháng tư cho gọn!". Có thể coi thiên truyện Dì Tư chứa chất dung lượng một tiểu thuyết hay một bộ phim tráng ca nhiều tập... Với sức nghĩ như thế, thử hỏi ông nhà văn “Le Nha Que” Từ Nguyên Tĩnh ấy có thật nhà quê không?
10. Có một đặc điểm nổi bật trong sáng tác của Từ Nguyên Tĩnh là màu sắc tự thuật; hay nói cho đúng hơn, tác giả sử dụng triệt để thủ pháp tự thuật, tự đặt mình ở ngôi thứ nhất - người kể chuyện. Nhân vật "tôi" thường giữ vai trò trung tâm, vừa kể về mình vừa là nhân vật quan sát, liên kết các sự kiện, con người trong một bối cảnh và cốt truyện cụ thể. Điều này tạo nên mối liên hệ, đồng cảm với độc giả và gia tăng tính chân thực, thuyết phục của tiếng nói "người trong cuộc". Chẳng hạn, tập truyện Mùa yêu đương gồm 15 truyện ngắn có tới 9 truyện xuất hiện nhân vật "tôi" thì câu mở đầu thường là: "Năm 1945, chị Kén tôi mười sáu" (Kiếp người); "Năm ấy tôi không có công ăn việc làm" (Đò dọc); “Thằng Đỉnh là con trai anh Lạc tôi và chị Thư” (Thằng Đỉnh), v.v... Đặc điểm nói trên tạo cho mạch truyện trôi chảy, có điều kiện bổ sung thêm giọng điệu trữ tình ngoại đề, đi sâu quan sát những cảnh ngộ và số phận con người trong cuộc đời thường... Hình ảnh nhân vật "tôi" đã từng ra trận và giờ trở về với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không định hướng, đành phó mặc cho hoàn cảnh (Đò dọc, Tiếng thở dài của dòng sông) có sức lay động lòng người và hẳn cũng là lời cảnh báo về một hiện trạng xã hội thờ hậu chiến... Đọc lại những trang suy tư đậm trách nhiệm công dân và ý nghĩa thanh lọc như thế, thử hỏi ông nhà văn “Le Nha Que” Từ Nguyên Tĩnh có thật nhà quê không?
11. Từ Nguyên Tĩnh thuộc mẫu nhà văn kiên trì, nhẫn nại, căng sức với thời gian và trang viết. Ông biết lắng nghe, chấp nhận mọi sự khen chê, thắng không kiêu, bại không nản. Bên cạnh những trang văn khá, quả thật trong tác phẩm Từ Nguyên Tĩnh vẫn còn những “sự bất ổn của chi tiết”, “chưa thật nhuần nhị trong cách xử lý chất liệu ngôn từ”, có cảm giác như “lôi thôi, luộm thuộm”, “lủng củng, lộn xộn”... Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài Từ Nguyên Tĩnh - Từ truyện ngắn đến tiểu thuyết Cõi người có cách phác họa, hình dung lối viết Từ Nguyên Tĩnh thật tinh tế, ý nhị, chuẩn mực: “Cái sự hơi “lộn xộn” này làm người đọc dễ nản, nhất là với những ai quen đọc loại truyện lớp lang rõ ràng, câu chữ trơn tru. Tựa như... một lão “nhà quê” vóc dáng khó coi, râu ria xồm xoàm, nói năng lúng túng nhưng chất chứa trong mình vô số kinh nghiệm, tài năng cùng một kho chuyện cổ - kim, huyền thoại bi - hài, kể mãi không hết. Cõi người càng đọc càng thích thú”... Có được sự bình thản, biết tiếp nhận, nhập cuộc cái mới để tự vượt lên mình, thử hỏi ông nhà văn “Le Nha Que” Từ Nguyên Tĩnh có thật nhà quê không?
12. Thay lời kết
Đã bước sang tuổi thất thập, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh đã có được  gia tài tác phẩm thực sự phong phú, đáng nể trọng. Nói đến Từ Nguyên Tĩnh, người đọc ghi nhận những trang viết sắc nét về số phận biết bao người nông dân đã đi qua một thời chiến tranh, những vui buồn thế sự, những hoài niệm quá khứ, những khắc khoải trong hôm nay và trước ngày mai. Các trang văn của ông đều ấm áp hơi thở sự sống, tình người và có phần thành công nhiều hơn ở thể loại truyện ngắn. Có thể nói, thật may mắn vì ông nhà văn “Le Nha Que” Từ Nguyên Tĩnh đã có được một miền quê trong sáng tác, giúp cho ông kết nối truyền thống với hiện đại, cái riêng biệt vùng miền với tầm vóc quốc gia, dân tộc. 
Vẫn còn khoảng thời gian rộng dài phía trước và bạn đọc có quyền tin yêu, đợi chờ, kỳ vọng vào những trang viết mới của nhà văn “Le Nha Que” bình dị ấy...               
                                                            Hà Nội, tháng 7-2017
                                                                  N.H.S


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 131
 Hôm nay: 2691
 Tổng số truy cập: 7559279
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa