Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Ấn tượng một nhiệm kỳ - Đào Phụng
Ấn tượng một nhiệm kỳ - Đào Phụng


Là một trong những ban chuyên ngành được coi là nòng cốt cho mảng văn học. Những năm qua Ban thơ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Mỗi cá nhân hội viên đã biết tạo đà và có được thành tựu riêng của mình. Đây không những là dấu mốc còn là động lực để Ban luôn cố gắng và phát triển. Với số hội viên hơn 55 thành viên, tuổi bình quân trên 60, 95% có trình độ đại học và trên đại học. Nhiều hội viên là cử nhân chính trị, nguyên lãnh đạo các ngành, các cấp trong tỉnh; có 6 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, 9 hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam. Lực lượng sáng tác mạnh và đa dạng về thành phần, lứa tuổi, dân tộc. Nhiệm kỳ VIII (2012-2017) của Ban thơ là nhiệm kỳ hoạt động khả quan, hoàn thành vượt mức kế hoạch và có nhiều đóng góp chất lượng cho công tác của Hội.
Hòa chung không khí mừng Đảng mừng xuân, ngày thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng Riêng), Ban thơ hàng năm đã chủ động phối hợp với các đơn vị hữu quan: Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, Trường Đại học Hồng Đức, Thư viện tỉnh nhằm tiết kiệm kinh phí và mở rộng ảnh hưởng của Ngày thơ tới các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp, các Câu lạc bộ Thơ và công chúng yêu thơ. Trong 5 năm tổ chức Ngày thơ, Ban Tổ chức đã lựa chọn, giới thiệu 150 bài thơ tiêu biểu của hội viên, của lãnh đạo tỉnh và của các Câu lạc bộ Thơ; 105 tác giả được trình bày thơ, 10 nghệ sĩ thể hiện thơ qua giọng ngâm, 30 bài thơ phổ nhạc được biểu diễn, 200 bức tranh thư pháp được trưng bày, trên 100 bức tranh minh họa Truyện Kiều được treo phục vụ Ngày thơ. Đặc biệt các Ngày thơ đã vinh dự được đón lẵng hoa chúc mừng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND thành phố Thanh Hóa và các ngành trong tỉnh. Hơn thế, Ngày thơ còn vinh dự được đón Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Tuyên giáo đến dự, phát biểu và cổ vụ Ngày thơ. Việc tổ chức thành công và ý nghĩa của Ngày thơ Việt Nam không ngừng được lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng hứa hẹn những hội mùa thơ tươi mới.
Mặc dù văn hóa đọc hiện nay có phần bị sao nhãng và xuống cấp, nhưng thơ ca và sáng tác thơ ca vẫn bội mùa xanh tươi tỏa ngát. Thực tế trong suốt nhiệm kỳ VIII lao động thơ của hội viên chuyển động không ngừng, mạnh mẽ và sôi động; với sự xuất hiện đều đặn của các tác giả Thanh Hóa trên báo viết, báo hình, báo mạng của Trung ương và địa phương. Và trên cả nhiều Blog cá nhân. Năng lượng thơ của hội viên ta thật dồi dào. Bên cạnh các tác giả đã được khẳng định tên tuổi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong số các cây bút giàu năng lực bứt phá sáng tạo hiện nay, nổi bật có Trịnh Ngọc Dự, Đinh Ngọc Diệp, Phạm Phú Thang, Tú Anh, Ngô Xuân Tiếu, Lê Văn Sự, Lâm Bằng... và gần đây có thêm Phạm Tiến Triều, Trương Vạn Thành, Phạm Thị Kim Khánh... Ngoài việc xuất hiện trên các trang báo, tạp chí... một số tác giả còn tích cực tham gia các cuộc thi thơ về chủ đề Giao thông Vận tải, biển đảo... Đáng chú ý 3 năm trở lại đây có Nguyễn Minh Khiêm giải A cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2015-2016) và Trịnh Ngọc Dự giải B cuộc thi thơ của Hội Nhà văn và Bộ Giao thông Vận tải phối hợp tổ chức (2014-2015).
 Hàng năm việc xét tài trợ tác phẩm đã khuyến khích được sự sáng tạo của mỗi cá nhân hội viên, khích lệ việc ra những tác phẩm, những đầu sách chất lượng để đưa nhu cầu đọc đến gần với độc giả hơn. Nhiệm kỳ VIII chỉ với 3 năm có tài trợ (2014 không có tài trợ, 2017 chưa xét) Ban thơ đã có 36 tác phẩm của 36 tác giả dự xét tài trợ.
Trong đó năm 2013 có 16 tác phẩm, 2015 có 12 và 2016 có 7 tác phẩm kết quả có 19 tác phẩm của 19 hội viên đạt mức tài trợ loại A; 13 tác phẩm loại B và 2 tác phẩm loại C. Ngoài số tác phẩm được tài trợ cao nói trên, trong nhiệm kỳ cũng đã xét đầu tư cho 1 hội thảo thơ của nhà thơ Lê Văn Sự  tác phẩm "Lời ru trên sông". Như vậy, trong 3 năm có tài trợ của nhiệm kỳ 100% tác phẩm của hội viên gửi đến đều được tài trợ. Điều đó đã giúp cho hội viên xúc tiến hiệu quả việc xuất bản tác phẩm.
Bên cạnh nhiệt huyết sáng tác, nhiều hội viên đã tuyển chọn, tập hợp thơ in rải rác trên báo chí để ra sách và công bố tác phẩm trước công chúng bạn đọc. Đây là việc làm cần thiết và tích cực của mỗi nhà thơ ở những thời điểm nhất định và ý nghĩa. Dù kinh phí khó khăn, eo hẹp và thơ in ra khó bán, chủ yếu chỉ để tặng, biếu. Điều đó, cũng không hề làm suy giảm cảm hứng in sách của các tác giả, thơ vẫn được xuất bản đều đều và số lượng thơ gửi về Hội dự giải mỗi năm một tăng, đứng hàng đầu trong Hội so với các Ban . Trong 4 năm, từ 2013-2016 tổng số sách xuất bản là 37 cuốn; trong đó năm 2013 có 5, 2014 có 7, năm 2015 có 14 và năm 2016 có 11 tác phẩm. Nổi cộm về số lượng in đáng kể có tác giả Vũ Duy Hòa in tới 4 tập thơ trong năm (2015). Một số hội viên mới: Quách Lan Anh, Hà Trọng Tân, Nguyễn Tất Lâm, Phạm Thị Kim Khánh... cũng đã kịp trình làng tác phẩm mới. Cái mới trong nhiệm kỳ VIII (2012-2017) là sự xuất hiện của những trường ca dài hơi của Nguyễn Minh Khiêm "Bầu trời màu hoa gạo" và Trịnh Ngọc Dự "Nước mắt con đường".
Như vậy, hành trình sáng tạo thơ ca xứ Thanh đã có sức vươn xa và khát vọng thử thách ngòi bút với thể loại trường ca dài hơi đã đơm hoa kết.
Nhiệm kỳ VIII (2012-2017) chất lượng xét giải đã được cải tiến nâng cao, chất lượng tác phẩm từng bước được tôn vinh, khẳng định giá trị đích thực của giải thưởng mang tên Lê Thánh Tông. Do đó, quy trình xét chọn đã thể hiện sự dân chủ, bình đẳng trong thẩm định, đánh giá với ý thức nghiêm túc, khách quan, trân trọng tác giả, tác phẩm. Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo đã làm việc hết mình, trách nhiệm, thận trọng cân nhắc trước khi quyết định bỏ phiếu chính thức cho từng giải thưởng.
Với 37 tác phẩm gửi về Hội, dự giải Lê Thánh Tông trong nhiệm kỳ. Kết quả có 12 tác phẩm đoạt giải (chưa xét số tác phẩm năm 2016) trong đó có 3 giải B (Nguyễn Minh Khiêm, Văn Kinh, Đinh Ngọc Diệp); 6 giải C (Lê Đăng Sơn, Nguyễn Duy Chinh, Nguyễn Minh Khiêm, Trọng Liên, Hải Minh, Lê Hai) và 3 giải Khuyến khích (Vũ Duy Hòa, Phạm Phú Thang, Phạm Xuân Sinh).
Dù giải Lê Thánh Tông nhiệm kỳ VIII không được như mong muốn của một số hội viên, nhưng chất lượng thơ của giải đã được nâng lên và khẳng định, đó là sự khích lệ cho thơ của giải những năm sau.
Bên cạnh  đó, công tác tổ chức hội thảo, tọa đàm thơ luôn là nhiệm vụ quan trọng song hành cùng sáng tác. Rất tiếc, do điều kiện kinh phí eo hẹp, Ban đã không thực hiện được như dự định. Song bằng sự vận dụng, phối hợp với các đơn vị trong nhiệm kỳ (2012-2017) Ban thơ đã tổ chức thành công 2 cuộc hội thảo, tọa đàm cho 2 tác giả Lê Văn Sự (2014) và Vũ Duy Hòa (2015). Hội thảo tác phẩm thơ "Lời ru trên sông" của Lê Văn Sự được tổ chức tại huyện Vĩnh Lộc, với sự hỗ trợ của UBND huyện đã thành công đáng khích lệ. Hội thảo có 15 tham luận, phân tích, đánh giá và khẳng định chất lượng của tập thơ, sức bứt phá vươn lên trong sáng tác của tác giả; đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế không tránh khỏi của tác phẩm. Qua hội thảo đã giúp cho tác giả thêm tự tin, khích lệ bước tiếp trên con đường thi ca, tạo ra những tác phẩm mới.
Ngoài sự thành công của hội thảo tập thơ "Lời ru trên sông" của nhà thơ Lê Văn Sự tại Vĩnh Lộc. Cuộc tọa đàm thơ Vũ Duy Hòa trong sự chuyển động của thơ ca Thanh Hóa tại Viện Kiểm soát tỉnh, cũng đã đem đến sự cổ vũ, khích lệ đối với tác giả. Ngoài các phát biểu chia sẻ, chúc mừng của các đại biểu, cuộc tọa đàm đã ghi nhận sự phân tích, đánh giá có tình có lý của 15 tham luận đối với thơ Vũ Duy Hòa.
 Tuy công tác tổ chức hội thảo, tọa đàm đánh giá tác phẩm của hội viên còn khiếm khuyết, hạn hẹp nhưng với việc tổ chức góp ý phê bình 2 tập thơ của 2 tác giả nói trên đã góp phần khởi động cho hoạt động phê bình, giới thiệu thơ sau này được chuyển biến tích cực.
Phát triển hội viên là quy luật tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng để duy trì sự phát triển của Ban thơ và của Hội. Trong nhiệm kỳ qua Ban thơ đã làm rất tốt công tác này. Với tổng số 23 đơn xin vào Hội. 
Trong nhiệm kỳ, qua lựa chọn xem xét và đối chiếu tiêu chí, kết quả cụ thể trong từng năm và cả nhiệm kỳ đã kết nạp 17 hội viên; trong đó có 5 Thạc sĩ, 3 lãnh đạo, 3 người dân tộc Mường, 1 đại học viết văn Nguyễn Du. Số hội viên mới là sự bổ sung, tăng cường có hiệu quả cho đội ngũ sáng tác hiện tại và tương lai của Ban và của Hội. Tuy mới kết nạp nhưng số hội viên mới đã nhanh chóng bắt nhịp phong trào và có nhiều triển vọng trong sáng tác như Phạm Tiến Triều, Phạm Thị Kim Khánh...
Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, giao lưu, học hỏi và mở rộng tầm nhìn hiểu biết cho hội viên, nhiều năm qua lãnh đạo Ban thơ đã tích cực đề xuất, giới thiệu nhiều hội viên đi dự các Trại viết của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở Vũng Tàu, Nha Trang, Quảng Ngãi, Tam Đảo, Đại Lải... Cụ thể trong nhiệm kỳ có 14 hội viên dự các trại viết.
Ngoài việc cử các hội viên đi trại viết, lãnh đạo Ban còn cố gắng thu xếp, tạo điều kiện tốt cho hội viên đi thực tế sáng tác ở 2 tỉnh, thành phố Quảng Nam và Đà Nẵng, riêng trong thời gian 5 ngày đi thực tế ở Quảng Nam, Đoàn Thanh Hóa đã tổ chức giao lưu thơ với Hội VHNT Quảng Nam; mở rộng sự hiểu biết thơ giữa 2 vùng đất và thắt chặt tình đoàn kết đồng nghiệp. Đây là sự cố gắng lớn của lãnh đạo Ban trong điều kiện kinh phí ngặt nghèo. Ngoài các việc nói trên, trong nhiệm kỳ lãnh đạo Ban cũng đã xúc tiến biên soạn "Tuyển tập Thơ Thanh Hóa" 2017 chào mừng Đại hội IX, Hội VHNT Thanh Hóa.
Phát huy thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ VIII (2012-2017) toàn Ban nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trước tập thể, đoàn kết, động viên nhau trong sáng tác, phấn đấu để có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao, nhằm thỏa mãn nhu cầu người đọc, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, đời sống xã hội. Phấn đấu trong nhiệm kỳ IX có nhiều tác giả được khẳng định trên văn đàn cả nước.
1- Lãnh đạo Ban cần năng động trong công tác, thường xuyên tổ chức hội thảo về tác phẩm, tác giả; nhất là đối với các tác giả đã thành danh và tác phẩm được giải 1 đến 2 tác giả, tác phẩm. Phấn đấu tổ chức được hội thảo Thơ Thanh Hóa 20 năm đầu thế kỷ XXI.
2- Tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác trong tỉnh và các tỉnh bạn ít nhất 2 năm 1 lần.
3- Đổi mới toàn diện công tác xét giải thưởng Lê Thánh Tông và thành lập Ban Chung khảo giải thưởng Lê Thánh Tông nhằm đảm bảo tôn vinh chất lượng tác phẩm và sức sáng tạo của tác giả. Đề cao giá trị của giải thưởng mang tên Lê Thánh Tông.
4- Đề nghị với Lãnh đạo Hội và Lãnh đạo tỉnh xúc tiến việc thành lập Hội Liên hiệp VHNT Thanh Hóa để kích thích sáng tác và chuyên sâu về nghề nghiệp.
5- Tổ chức tốt Ngày thơ Việt Nam và không ngừng nâng cao về chất lượng tổ chức nội dung. Phấn đấu từng bước xã hội hóa Ngày thơ Việt Nam và đưa Ngày thơ trở thành ngày hội của công chúng yêu thơ. 
6- Đối với công tác xét tài trợ tác phẩm: Cần xóa bỏ chủ nghĩa bình quân giàn trải, ưu tiên đầu tư thỏa đáng cho chất lượng tác phẩm, đảm bảo kinh phí tài trợ đủ điều kiện để in tác phẩm. Tạo sự kích thích cho những tác phẩm có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật ra đời.
7- Về công tác tham gia trại viết: Ban thơ và Hội cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi, đảm bảo số lượng được dự trại viết của hội viên thơ mỗi năm từ 15 đến 20 người nhằm tạo cho hội viên có cơ hội học hỏi, giao lưu, nâng cao trình độ hiểu biết về nghề nghiệp và xã hội.
                                                                                                 Đ.P


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 141
 Hôm nay: 8348
 Tổng số truy cập: 7472041
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa