Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Suy ngẫm trước thềm Đại hội - Cao Sơn Hải
Suy ngẫm trước thềm Đại hội - Cao Sơn Hải


Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa sắp kết thúc khóa công tác lần thứ VIII và sắp tiến hành Đại hội lần thứ IX. Trước thềm Đại hội, là hội viên của Hội lại là người dân tộc thiểu số, chúng tôi có bao suy nghĩ, ngẫm ngợi về văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Miền núi tỉnh ta riêng phần diện tích đã chiếm 70% diện tích cả tỉnh, nghĩa là khoảng 7000 km2 với dân số hơn 1 triệu người trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 60 vạn người. Với diện tích và số dân tộc thiểu số như vậy, nơi ấy bằng một tỉnh trên trung bình ở nước ta. Nhưng nó chỉ là một bộ phận của một tỉnh và ứng xử với nó như một vùng miền kém phát triển. Theo đó vấn đề xây dựng sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật và bảo tồn văn nghệ văn hóa các dân tộc thì nếu ơn trời nó tốt thì hoan nghênh còn nó kém thì nó là thiểu số, miền núi ấy mà còn nhiều khó khăn, khắc phục dần! Quan niệm này không phải chỉ bây giờ mà nó đã tồn tại khá lâu, nó vẫn trượt chờn trong tư duy của không ít người, liệu Đại hội tới có chuyển biến được một chút nào không? Hay là đến hẹn lại lên rồi đâu cũng vào đó?
Thực ra khách quan mà nói, thời gian qua, ở nhiệm kì sắp qua, hoạt động sáng tác, bảo tồn phát huy văn học nghệ thuật ở khu vực miền núi cũng có làm được một số việc và cũng có những kết quả bước đầu. Về mặt sáng tác, trên lĩnh vực thơ văn vẫn tiếp tục giữ được nhịp độ như trước. Gần đây có phần hứng khởi hơn với sự có mặt của một số khuôn mặt mới tham gia vào hội như Kim Khánh, Phạm Tiến Triều, Quách Lan Anh, Tú Anh, Phạm Xuân Sinh. Các hội viên lớn tuổi như Vương Anh, Bùi Nhị Lê, Trương Thị Mầu, Bùi Kim Quy, Cao Sơn Hải... vẫn tiếp tục sáng tác đều. Đáng chú ý một số hội viên là người miền xuôi đã sống lâu năm, hoặc đang công tác ở miền núi như Lê Huy Hoàng, Lê Hai, Sơn Ca đã có những đóng góp tốt cho hoạt động sáng tác ở miền núi. Có một số dân tộc thiểu số trước đây không có người sáng tác thơ thì nay đã có người làm việc này như dân tộc Thái có Hà Văn Thương, Phạm Xuân Cừ, Hà Nam Ninh. Đặc biệt đã xuất hiện một người dân tộc Mông làm thơ. Nhưng về văn xuôi và các lĩnh vực nghệ thuật khác tuy có những cố gắng song vẫn còn nhiều điều đáng nói.
Hà Thị Cẩm Anh đã đạt được những thành tích khá trong sáng tác. Thời gian qua và nay vẫn có những tác phẩm ra đời, ngoài viết truyện, Cẩm Anhcòn viết kịch bản phim, đã có sự ghi nhận. ở miền núi còn có Trịnh Tuyên đã sáng tác nhiều truyện ngắn và có giải Lê Thánh Tông. Hiện tại Trịnh Tuyên vẫn viết truyện và làm thơ. Đương nhiên trên lĩnh vực văn học đòi hỏi chất lượng phải cao hơn nữa. Trên lĩnh vực hội họa, mới đây có sự xuất hiện của Cao Văn Đồng và Cao Xuân Lộc đã có sáng tác và được kết nạp vào Hội.
Song, mặt hoạt động sáng tác trên các lĩnh vực khác còn quá trống vắng. Âm nhạc trước đây có Cao Văn Anh thì nay đã qua đời, Băng Xuân gần như không còn hoạt động. Như vậy cả một vùng hơn 1 triệu dân với 60 vạn người thiểu số mà không còn có ai hoạt động âm nhạc. Điều này không chỉ tổn hại cho xây dựng nền âm nhạc, ca nhạc mới mà còn không có ai biết nhạc để có thể nghiên cứu bảo tồn dân ca và cả dân vũ truyền thống các dân tộc. Điều này lỗi không chỉ Hội Văn nghệ mà còn ở những ngành quản lí nhà nước. Rồi nhìn sang các ngành nhiếp ảnh nghệ thuật, sân khấu... người dân tộc thiểu số và kể cả người Kinh sống ở miền núi cũng đã vắng bóng. ở miền núi Thanh Hóa đang có một sự đứt đoạn văn hóa mặc dù hội diễn văn nghệ theo định kì vẫn linh đình, nhưng trong thẳm sâu của mỗi dân tộc mỗi vùng có còn cái gì là văn nghệ, văn hóa không?
Lại nói về việc bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc, gần đây có làm được một số việc và có kết quả đáng mừng. Các nhà sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian ở Thanh Hóa lần đầu tiên được tặng thưởng Nhà nước là Minh Hiệu, Hoàng Anh Nhân, Vương Anh. Ba vị này là người có thành tích lớn trong sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn văn nghệ văn hóa truyền thống chủ yếu là của người Mường. Rồi Hà Nam Ninh đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có công sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn chữ Thái. Hà Văn Thương và một số người đang bảo tồn chữ Thái bằng cách làm từ điển Thái - Việt. Đây là việc tốt. Ngôn ngữ là mẹ của văn nghệ, văn hóa. Nếu các dân tộc mất đi tiếng nói, chữ viết rồi thì cũng mất luôn văn hóa và mất gốc. Tuy thế nhưng văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta vốn phong phú và có giá trị giờ đây đang mất đi mà không thấy ai có cách gì giữ lại và phát huy một cách hiệu quả. Gần đây ta có kết nạp được số hội viên là người dân tộc thiểu số làm công tác sưu tầm và nghiên cứu của dân tộc Thái Mường. Nhưng số lượng còn ít. Phải thấy rằng việc sưu tầm văn học, văn hóa các dân tộc cần ở nhiều người, cả người Kinh và thiểu số. Nhưng nếu có những trí thức dân tộc yêu văn hóa dân tộc mình thì việc sưu tầm, nghiên cứu có nhiều lợi thế hơn. Đến nay còn dân tộc Mông, Dao, Khơ mú, Thổ không có một ai làm việc này. Dĩ nhiên là cũng không có sản phẩm nào được sưu tầm in ấn. Mà xem ra phát hiện này từ hơn 20 năm nay nhưng hình như không có ai có trách nhiệm gì để giải quyết cả.
Thời gian qua sự nghiệp sáng tác nghệ thuật và bảo tồn tuy có đạt được một số thành tích. Nhưng còn quá ít ỏi so với những gì thiết thực phải có. Mảng sáng tác quá lệch, mảng bảo tồn thì còn quá ít ỏi, chưa sâu rộng đến khắp các dân tộc. Việc đào tạo bồi dưỡng vào nghệ sĩ dân tộc tuy đã có làm nhưng chưa được chú ý đúng mức, toàn diện, số lượng còn quá khiêm tốn. Đại hội tới và thời gian sau Đại hội chúng tôi đề nghị với Hội và với Tỉnh một số kiến nghị như sau:
1 - Tỉnh, mà nòng cốt là Hội VHNT, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cần nhìn lại một cách toàn diện hơn về xây dựng phong trào sáng tác văn học nghệ thuật và bảo tồn văn học, nghệ thuật truyền thống các dân tộc. Đồng thời xem xét vấn đề bồi dưỡng đào tạo văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số và người Kinh sống ở miền núi. Có làm điều này mới có cái nhìn toàn diện, may chi tìm ra những chủ trương, biện pháp khả dĩ phù hợp với địa bàn miền núi.
2 - Phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các Hội bạn, các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân có khả năng sáng tác sưu tầm nghiên cứu để cho đi đào tạo, tập huấn, các trại viết để họ có thể có tác phẩm và từng bước kết nạp vào Hội. Đề nghị mỗi hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trên mỗi lĩnh vực chuyên môn của mình tìm lấy 1, 2 người có tiềm năng để bồi dưỡng và giới thiệu với Hội để kết nạp. Làm việc này lấy độ một hai khóa - nhiệm kì đại hội thì ít ra mỗi ban chuyên môn của Hội cũng có thêm được một đến hai người. Gộp lại chúng ta có thêm đội ngũ đông cho miền núi về các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và bảo tồn văn hóa.
3 - Nghiên cứu tìm tòi đề xuất những chủ trương, chế độ ưu tiên, khuyến khích đối với người sáng tác, bảo tồn và phát huy văn học văn hóa nghệ thuật người dân tộc thiểu số và người Kinh ở miền núi. Mở trại bồi dưỡng ngắn ngày, dài ngày, gửi người đi dự trại của các Hội Trung ương một cách có chủ định có quy hoạch. Ưu tiên, ưu đãi trong hỗ trợ in ấn tác phẩm và các chế độ khen thưởng phù hợp.
Làm được cả ba việc trên tuy có vẻ đơn giản mà cũng không dễ dàng. Nhưng muốn đẩy được sáng tạo văn học nghệ thuật, sưu tầm, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống và bồi dưỡng góp phần đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số đương nhiên phải đẩy mạnh cả ba việc trên. Tôi tin rằng nếu có quyết tâm thì đều có thể làm được. 
                                                                                                C.S.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 117
 Hôm nay: 6997
 Tổng số truy cập: 7461228
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa