Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, những dấu ấn nhiệm kỳ - Nguyễn Đồng Tâm
Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, những dấu ấn nhiệm kỳ - Nguyễn Đồng Tâm

       Năm năm qua (2012-2017) là giai đoạn phát triển đầy sôi động của VHNT Thanh Hóa. Thật đáng tự hào, nền VHNT của chúng ta hôm nay được thừa hưởng truyền thống của một nền văn hóa lâu đời trên quê hương xứ Thanh, một nền văn hóa phát triển rực rỡ ở nhiều thời kỳ và có bản sắc riêng: Từ hoa văn Trống đồng - biểu tượng của một nền văn minh rực rỡ trong lịch sử đến sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, “Nàng Nga - Hai Mối”, hò sông Mã, hát múa Đông Anh, tiếng cười Trạng Quỳnh, Xiển Bột... Một địa danh Quần Tín - cái nôi của Văn hóa kháng chiến, là nơi quy tụ của nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sỹ, họa sỹ lớn của đất nước, từng làm rạng danh nền văn hóa nước nhà. Truyền thống đó đã nuôi dưỡng VHNT Thanh Hóa chúng ta suốt chặng đường dài của lịch sử và càng rõ nét hơn trong 5 năm giữa thập kỷ thứ hai của thế kỷ hai mươi mốt hôm nay.
       Sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, từ 92 hội viên ban đầu, đến nay Hội VHNT Thanh Hóa có trên 400 hội viên, đang sinh hoạt tại 11 chuyên ngành: Văn, thơ, lý luận - phê bình, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu, kiến trúc, điện ảnh. Các chuyên ngành được tổ chức thành các ban, hoạt động độc lập về chuyên môn, chịu sự điều hành chung của Thường trực Hội. Bên cạnh đó còn có 4 câu lạc bộ, là Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sỹ, Câu lạc bộ Họa sỹ trẻ Lam Sơn, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ và Câu lạc bộ Thư pháp Xuân Hoa. Trong đó, ngoài Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sỹ, 3 câu lạc bộ còn lại đều hoạt động độc lập, được Hội bảo trợ về mặt nghệ thuật.
       Về công tác tổ chức, Hội thường xuyên quan tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đến Thường trực Hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho các Ban chuyên ngành, các Câu lạc bộ chủ động tổ chức hoạt động; cơ quan văn phòng Hội thực sự là mái nhà chung đầm ấm của anh chị em hội viên; Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh là cơ quan ngôn luận của Hội, là diễn đàn VHNT và là cầu nối giữa các tác giả với bạn đọc và công chúng. 
Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 59 hội viên mới (quan tâm nhất là các tác giả trẻ, tác giả người dân tộc thiểu số). Tổng số hội viên hiện nay là 428 người; trong đó hội viên cao tuổi nhất sinh năm 1920, hội viên ít tuổi nhất sinh năm 1991. 76 hội viên nữ; 225 hội viên là đảng viên; 359 hội viên có trình độ cử nhân trở lên; có 2 phó giáo sư, 4 nghệ sỹ nhân dân, 32 nghệ sỹ ưu tú, 2 nghệ nhân ưu tú, 4 người được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.
       Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù cơ chế còn có những mặt chưa thật sát đúng thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào tập thể. Nhưng nhìn chung, tuyệt đại đa số anh chị em hội viên đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự bền vững của chế độ và định hướng phát triển đất nước. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để nền văn học nghệ thuật tỉnh ta phát triển, góp phần giữ vững sự ổn định của xã hội. Đảng và nhân dân ta có thể tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà.
       Xác định “con người là chủ thể của sáng tạo”, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết của Trung ương “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Hội đặc biệt chú trọng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác. Bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, nhất là thông qua các trại sáng tác, các sinh hoạt chuyên đề, Hội đã thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ cho hội viên. Bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, tạo bầu không khí trong lành cho hoạt động sáng tạo. Kích thích phát triển tài năng; Tạo môi trường phấn khích để mỗi hội viên có thêm hứng khởi trong sáng tác và cống hiến, như làm tốt công tác xét tài trợ, hỗ trợ hàng năm; Xét và trao giải Lê Thánh Tông, tổ chức các chuyến đi giao lưu, đi thâm nhập thực tế, hội thảo, tọa đàm v.v...
       Hội và cơ quan Hội thực sự là mái nhà chung ấm áp, đầy nghĩa tình của văn nghệ sỹ. Để có những công trình tác phẩm VHNT có chất lượng cao Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động như mở Trại sáng tác, lớp Bồi dưỡng. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nhiệm kỳ qua Hội đã tổ chức 4 Trại sáng tác cho 60 hội viên thuộc các chuyên ngành: Văn, Thơ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Múa, Văn nghệ dân gian... tham gia tại các Nhà sáng tác Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang, Đại Lải (Vĩnh Phúc) và cử các văn nghệ sĩ đi dự các Trại tại Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi do Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương tổ chức. Phối hợp với Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam mở 3 lớp bồi dưỡng cho hơn 60 tác giả trẻ là người dân tộc thiểu số trong tỉnh.
       Hiện thực sôi động của quê hương, đất nước thúc giục anh chị em văn nghệ sĩ hòa mình vào đời sống thực tế, nhiệm kỳ qua Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho các chuyên ngành như Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Văn, Thơ, các Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Lam Sơn, Câu lạc bộ nữ văn nghệ sỹ xứ Thanh đi thực tế tại các khu công nghiệp, các vùng miền trong tỉnh như Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Thanh, Lang Chánh, Mường Lát v.v... Sau các chuyến đi các thành viên đều có tác phẩm quảng bá, trưng bày và biểu diễn.
       Trong hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, việc công bố và quảng bá tác phẩm là vô cùng cần thiết để sản phẩm của trí tuệ và tâm hồn đến với công chúng, là cầu nối giữa nghệ thuật với cuộc sống. Trong nhiệm kỳ qua chúng ta đã có hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, hàng trăm tập thơ, tập nhạc, đĩa CD, VCD, các tập nghiên cứu của Lý luận phê bình, Văn nghệ dân gian, hàng trăm công trình Kiến trúc, Múa, Điện ảnh v.v... Tổ chức 40 cuộc triển lãm Mỹ thuật, ảnh nghệ thuật và tham gia đầy đủ các Liên hoan ảnh và Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung Bộ.
       Là đơn vị cấp hai của Hội, Tạp chí Xứ Thanh là cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Thanh Hóa và là diễn đàn văn học nghệ thuật; là cầu nối giữa tác giả và bạn đọc; giữa nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ... với công chúng. Tạp chí đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật tạp chí đã đề cập đến mọi mặt của đời sống xã hội, những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh. Phản ánh sinh động các sinh hoạt chính trị lớn của đất nước và của tỉnh... Các chuyên trang chuyên mục: Văn, Thơ, Nghiên cứu, Lý luận - phê bình, Văn hóa, Âm nhạc, tranh, ảnh nghệ thuật... thực sự là nơi tin cậy để mỗi tác giả gửi gắm đứa con tinh thần của mình. Những tác phẩm giới thiệu trên tạp chí đã phần nào làm nên diện mạo văn học, nghệ thuật xứ Thanh những năm đầu thế kỷ 21.
       Trong những năm qua, tạp chí đã tổ chức thành công các cuộc thi Sáng tác như cuộc thi truyện ngắn 2012-2013, cuộc thi ký về đề tài biên phòng Thanh Hóa (2014), cuộc thi truyện ngắn 2015-2016. Và hiện đang tổ chức cuộc thi thơ về chủ đề Biên giới và Biển, đảo, được đông đảo bạn viết trong và ngoài tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng, hứa hẹn thành công tốt đẹp. Đặc biệt ngày 14-6-2017, Ban Biên tập Tạp chí  đã tổ chức lễ ra mắt và đi vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử Tạp chí Xứ Thanh, tại địa chỉ tapchixuthanh.vn. Đây là bước đi quan trọng của tạp chí, từng bước hòa nhập cùng làng báo điện tử trong thời đại công nghệ số. Với những kết quả trong hoạt động trên đây, năm 2014, Tạp chí Xứ Thanh đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
       Hội cũng đã xây dựng Quy chế xét hỗ trợ và tài trợ vừa đảm bảo sự công bằng, hợp lý; vừa có sự ưu tiên đặc biệt cho các công trình tác phẩm có quy mô lớn, chất lượng cao. Trong nhiệm kỳ Hội đã xét hỗ trợ cho 96 tác giả và 12 công trình tập thể, qua nghiệm thu hầu hết tác giả được hỗ trợ đã hoàn thành và công bố, xuất bản nhiều công trình tác phẩm có chất lượng cao. Hàng năm Hội còn làm tốt công tác xét Giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông nhằm ghi nhận, khích lệ và động viên thành quả lao động sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. 
       Hoạt động của 5 năm qua cho thấy VHNT Thanh Hóa sát cánh, hòa nhập cùng VHNT khu vực và cả nước góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, rõ nét sắc thái xứ Thanh.
       Nhiệm kỳ IX (2017-2022) VHNT Thanh Hóa tiếp tục đảm nhận vai trò, sứ mệnh của Đảng bộ và nhân dân giao phó dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII; thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về "tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", nhiệm vụ chính của Hội là xây dựng Hội phát triển mạnh mẽ về đội ngũ, vững vàng về tổ chức xứng đáng là tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước; tôn trọng cá tính sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động của Ban Chấp hành, các Ban Chuyên ngành và các Câu lạc bộ, phấn đấu có nhiều công trình, tác phẩm VHNT có chất lượng cao góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
       Có thể khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ VIII (2012-2017), mặc dù còn nhiều khó khăn và bất cập về nhiều mặt, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương, Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc và có nhiều thành tựu quan trọng, đã tạo ra được diện mạo mới của VHNT xứ Thanh ở thế kỷ XXI. Tiếp tục khẳng định vai trò của văn học và nghệ thuật trong đời sống xã hội và trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Góp phần nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa của nhân dân; Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, rõ nét sắc thái xứ Thanh.
                                                                                                                  N.Đ.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 15221
 Tổng số truy cập: 7187801
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa