Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Dưới “mái nhà chung” - Những trăn trở và mong muốn của tác giả văn học trẻ - Nguyễn Thị Cúc
Dưới “mái nhà chung” - Những trăn trở và mong muốn của tác giả văn học trẻ - Nguyễn Thị Cúc

       Vốn là một cô giáo dạy học vùng cao, yêu văn chương nên tham gia hoạt động sáng tác, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành “nhà” gì. Cho đến khi được kết nạp Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, cầm thẻ hội viên với danh xưng “nhà thơ” trên tay, tôi vẫn vô cùng bỡ ngỡ.  Vinh dự, tự hào và hạnh phúc, nhưng tôi tự thấy từ nay không chỉ đơn thuần là thích thì viết, không thì thôi theo cảm hứng nhất thời, mà mình đã gánh vác thêm trách nhiệm, sứ mệnh của một người sáng tác chuyên nghiệp.
       Khi đến với Hội và trực tiếp hoạt động ở Ban Thơ, ở Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sỹ xứ Thanh, tôi được gặp gỡ lớp đàn anh, đàn chị, sống trong bầu không khí đoàn kết, tình cảm ấm áp của các anh chị em hội viên. Tôi  được quan tâm dìu dắt, chia sẻ và giúp đỡ rất nhiều trong sáng tác. Từ sự giao lưu học hỏi thường xuyên, tôi đã dần nâng cao năng lực sáng tác, và qua các cuộc tiếp xúc với bạn văn, bạn thơ, cũng tạo cho bản thân tôi nhiều cảm hứng để cho ra đời những sáng tác mới. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo của Hội luôn động viên, khích lệ, tạo động lực sáng tạo trong lao động nghệ thuật của những hội viên mới. Tôi cảm nhận, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa thực sự là một môi trường thuận lợi cho bản thân trau dồi, rèn luyện kĩ năng sáng tác, giúp tôi có nhiều sự tương tác hữu ích để mở rộng nhãn quan, từ đó đa dạng hóa thể loại, đề tài sáng tác. 
       Bước vào “mái nhà chung” của giới văn nghệ sỹ tỉnh nhà - Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa - tôi như được tiếp thêm sức mạnh, viết sung sức hơn và ra thêm được ấn phẩm mới ngay trong năm đầu tiên kết nạp. Tôi mạnh dạn thử sức mình trong các dạng thức sáng tác khác ngoài thơ, như tản văn, truyện ngắn, bút ký văn học, bút ký báo chí...
       Nhưng từ đây tôi cũng lắng nghe rất nhiều nỗi niềm trăn trở của đại đa số các nhà văn, nhà thơ, nhất là các tác giả trẻ trong Hội. Hầu hết các tác giả đều tự mình tìm con đường phát hành cho những ấn phẩm xuất bản mới của mình. Một số rất ít tác giả đã có tên tuổi thì được các nhà xuất bản hỗ trợ phát hành, hoặc các nhà phát hành sách “mua đứt” bản quyền ngay từ khi còn là bản thảo. Còn phần lớn các tác giả, trong đó có những “cây đa cây đề” đều phải tự tìm “lối đi” khi có ấn phẩm mới. Chuyện “tiếp thị” sách như một món hàng khiến người ta rất ngại, vì thường các nhà văn, nhà thơ chỉ chuyên tâm công việc sáng tác, chứ đâu có quen đi “rao bán” sách như một thứ hàng hóa. Trong khi một bộ phận công chúng ngày nay, do tác động của thời đại kỹ thuật số và sự vận hành mang tốc độ vũ bão của đời sống kinh tế thị trường, họ rất ít thời gian đọc sách, và thay phương thức đọc ấn phẩm giấy in bằng đọc trên mạng hoặc xem, nghe... Một số tác giả trẻ bắt nhịp với đời sống mới, phát hành rất thành công thông qua mạng xã hội facebook, nhưng đa phần họ là những người đã có ảnh hưởng xã hội từ trước khi công bố ấn phẩm văn học. Và nếu không có vị thế và quan hệ xã hội ấy thì việc phát hành cũng chẳng phải dễ dàng gì. Còn lại những tác giả trẻ, gương mặt chưa có tên tuổi, sẽ vô cùng khó khăn khi đưa sáng tác mới đến công chúng, đặc biệt là ấn phẩm xuất bản. Kênh thư viện trước đây cũng “tiêu hóa” được phần nào sách cho tác giả mới, nhưng nay do ít người đọc và phụ thuộc phân bổ nguồn kinh phí nên cũng ít nhập sách mới. Một số tác giả gửi đăng tác phẩm mới trên báo chí, nhưng không phải lúc nào cũng được chọn đăng, vì tác phẩm văn học trên báo chí hầu như nội dung phải phù hợp với “thời tiết” thời sự chính trị, hoặc đúng dịp tuyên truyền một sự kiện nào đó, chung quy là phải “mùa vụ” một chút... Còn lại, nếu không đăng tải báo chí mà xuất bản ấn phẩm cá nhân, thì đa phần là sau khi “ra lò”, tác giả thường đem tặng bạn bè giới viết, tặng công chúng nào yêu văn học mà mình quen biết, tặng người thân bạn bè... Việc ra ấn phẩm mới, tác giả phải tự lo kinh phí xuất bản, tự tìm phương thức phát hành, rất nhiều khó khăn mà không biết hiệu quả đến đâu, nên nhiều người cũng chỉ xem ra sách mới là một “thú chơi”, một “kỷ niệm”, để thỏa mãn niềm đam mê... 
       Bản thân tôi khi ra mắt ấn phẩm mới và chọn cách phát hành online cũng vô cùng lo lắng. Luôn luôn phải tự mình lo tất cả các khâu, và ngoài quan tâm chất lượng nội dung, để có sách đẹp về hình thức cũng phải đầu tư không ít kinh phí. Nếu không phải tôi đã hoạt động trên facebook khá lâu, có số lượng bạn bè đông và tham gia nhiều hoạt động xã hội trước đó, có sự ảnh hưởng nhất định trên cộng đồng mạng, thì việc phát hành khó mà thành công. Rất may, cả hai lần ra mắt và phát hành online, tôi đều nhận được kết quả không ngờ và sự phản hồi rất tích cực từ độc giả, và đặc biệt, nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ phía các đơn vị báo chí, truyền thông trong việc giới thiệu tác giả, tác phẩm.
       Nhưng tôi biết, vẫn có nhiều tác giả trẻ ngậm ngùi trên con đường quảng bá, phát hành. Nhiều người không đủ “dũng khí” để phát hành online, vì mối quan hệ xã hội và tầm ảnh hưởng chưa rộng trên diễn đàn mạng. Hướng đi nào cho các ấn phẩm mới của các tác giả trẻ chưa có tên tuổi? Con đường nào để đưa các ấn phẩm ấy đến được tay bạn đọc? Đành rằng, thời buổi kinh tế thị trường, các tác giả văn học cũng phải nỗ lực hơn, năng động hơn để có thể sống được bằng nghề. Nhưng để làm được điều này, thì trước hết phải khẳng định được tên tuổi. Các tác giả trẻ trong Hội đều là những cây bút mới còn non nớt, ít có sự va chạm để nâng cao năng lực viết. Rất mong Hội quan tâm sát sao, tạo điều kiện cho các tác giả trẻ được tham gia các trại sáng tác, từ đó nâng cao trình độ, bồi đắp nhiệt huyết để có nhiều tác phẩm có giá trị, chất lượng. Mặt khác, các ấn phẩm của tác giả trẻ ra đời còn chưa có sức ảnh hưởng với đông đảo công chúng, cần phải có phương thức, giải pháp hỗ trợ phù hợp, giới thiệu tác giả và tác phẩm tới bạn đọc. 
       Những tác giả trẻ chúng tôi rất cần sự tiếp sức từ chính “mái nhà chung” là Hội Văn học nghệ thuật, không chỉ trên bước đường sáng tác, mà cả trong việc quảng bá, phát hành tác phẩm, ấn phẩm mới. Thay vì tác giả phải tự mình tìm tòi, mò mẫm đưa tác phẩm của mình đến với công chúng, nếu có sự hỗ trợ của Hội một cách có quy mô, tổ chức trong việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm từ hội viên đến hội viên, rồi sau đó là lan tỏa đến công chúng, thì ấn phẩm văn học sẽ phát huy được giá trị nhân văn của nó sâu rộng trong đời sống, đồng thời mang lại giá trị vật chất vì nó sẽ nuôi sống người viết chứ không chỉ mang lại thú vui tinh thần. Bên cạnh đó, khi có phương thức hỗ trợ phát hành phù hợp, đưa được tác phẩm đến tay bạn đọc cũng là góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa đọc đang ngày càng bị mai một, xói mòn. Đưa sách đến với đông đảo bạn đọc là cổ vũ phong trào đọc sách ngày càng phát triển.
       Trước thềm Đại hội VHNT tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX (nhiệm kỳ 2017 - 2022), tôi rất muốn được đưa ra những điều trăn trở không riêng gì của bản thân tôi. Trong nhiệm kỳ mới này, hy vọng Hội sẽ có hướng giúp đỡ cho các hội viên chuyên ngành văn học trong quá trình in ấn và ra mắt tác phẩm. Nguồn kinh phí từ Trung ương hỗ trợ sáng tạo tác phẩm mới hàng năm có tác động rất tích cực, giúp nhiều hội viên mạnh dạn ra mắt ấn phẩm mới, nâng cao chất lượng sáng tác. Tuy nhiên con đường đưa ấn phẩm tiếp cận độc giả vẫn còn bỏ ngỏ. Mong rằng với sự quan tâm thiết thực từ Hội, các tác giả nói chung và các tác giả trẻ nói riêng không còn phải “đơn thương độc mã” trên con đường đưa tác phẩm đến với công chúng.
                                                                                                                              N.T.C


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 76
 Hôm nay: 4908
 Tổng số truy cập: 9242098
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa