Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Một nhà "Mường học" xuất sắc - Phạm Võ Thanh Hà
Một nhà "Mường học" xuất sắc - Phạm Võ Thanh Hà


       Nói đến nhà nghiên cứu văn hóa lão thành Hoàng Anh Nhân, có lẽ không ai hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật ở xứ Thanh không biết. Bởi ông từng là kịch tác gia (đã đạt được những thành tựu nhất định), lại có trên nửa thế kỷ miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc nói chung, giá trị văn hóa của người Mường nói riêng.          
       Nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân sinh năm 1936 tại xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. May mắn được trưởng thành ở một vùng quê văn hiến, trong một gia đình có nề nếp, trọng thi thư và đạo nghĩa... nên dù ban đầu không được học hành thật bài bản (chỉ có tấm bằng sơ cấp Giao thông vận tải) ông vẫn khao khát tri thức, luôn tìm cách vươn lên để khẳng định sự tồn tại của mình. Ông công tác trong ngành văn hóa từ năm 1960, ít năm sau bén duyên với kịch bản sân khấu, ít năm sau nữa được biệt phái sang ban Dân tộc tỉnh làm công tác văn hóa quần chúng rồi mới trở về cơ quan cũ chuyên tâm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. 
       Ngay từ nhỏ, Hoàng Anh Nhân đã rất thuộc lời ru của bà: “Phải lên cho đến trên Mường/ Mua cân sặng kiến cho nường (nàng) nhuộm răng”. Một câu ca chỉ 14 chữ mà trầm tích trong đó bao tình ý: Có chàng trai nọ lên tận đất Mường xa xôi, lạ thung lạ thổ, ăn sương nằm đất, lội suối vượt đèo mua sặng kiến là thuốc nhuộm răng đen, làm đẹp cho người tình, còn cô gái cũng biết gìn giữ nâng niu áng tóc trữ tình, tuôn dài như suối để dâng hiến cho chàng trai. Chẳng gì thì “Răng đen đẹp một góc, tóc tốt đẹp nửa người”.
       Từ quan niệm thẩm mỹ, từ mối liên hệ này cùng nhận thức “Người Việt và người Mường vốn có chung nguồn gốc nhưng do điều kiện tự nhiên và nhu cầu đời sống, một bộ phận người Mường đã men theo bờ đôi dòng sông lớn ở Thanh Hóa, lan tỏa về phía biển, kiến tạo nên vùng đồng bằng sông Mã, sông Chu rộng lớn. Họ tiếp cận với văn hóa Hán và trở thành người Kinh, Kinh đây là chỉ người Kinh kỳ kẻ chợ, dân số phát triển rất nhanh, trở thành cộng đồng dân cư lớn nhất tỉnh”, Hoàng Anh Nhân bị văn hóa Mường cuốn hút vì một lẽ tự nhiên: “Muốn hiểu biết văn hóa Việt thì trước hết phải hiểu văn hóa Mường và ngược lại”.
       Hành trang đi vào con đường sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mường của Hoàng Anh Nhân gồm một chiếc túi vải, vài bộ quần áo, dăm quyển vở, cây bút, đôi dép cao su, cái mũ kè cùng chiếc xe đạp cà tàng mấy mươi năm rong ruổi khắp các xã, huyện vùng cao Thanh Hóa. Hơn nửa thế kỷ lao động miệt mài, đi đến đâu ông cũng được bà con quý mến, năng quan sát, mải miết ghi chép, học hỏi. Nhiều năm, nhiều tháng ròng, ông thực sự “ba cùng” với bà con - “sang” lắm thì có bát cơm độn sắn, độn ngô khi đói; lúc trái gió trở trời nào có gì khác ngoài bát thuốc lá hái từ bụi cỏ, lùm cây... để đến hôm nay, ông được thừa nhận là một chuyên gia văn hóa Mường khả kính - thể hiện qua hàng chục đầu sách, bốn ngàn trang in. Nhiều công trình trong đó được đánh giá cao, riêng bộ đôi tác phẩm Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong (nxb Văn hóa Dân tộc, 2008), Văn hóa giao duyên Mường Trong (nxb Văn hóa Dân tộc, 2011) vừa được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (ngày 20-5-2017, tại Hà Nội). Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc đời - sự nghiệp của nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân đã chứng minh: Có niềm đam mê và nội lực, con người ta có thể gặt hái được thành công dù xuất phát điểm không thật tốt, dù phải trải qua “thống khổ đích lịch trình”.
       Ở thời điểm hiện tại, nếu Pgs Nguyễn Đức Từ Chi vẫn được coi là chuyên gia lớn nhất về người Mường Hòa Bình (Mường ngoài) thì nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân là chuyên gia hàng đầu về người Mường Thanh Hóa (Mường trong). Công trình của 2 ông đã đem đến một cái nhìn tương đối đầy đủ, toàn diện về người Mường ở Việt Nam. Bên cạnh Mường Ngoài là Mường Trong. Không có Mường Trong, bức khảm văn hóa về người Mường sao trọn vẹn cho được? Và nếu Pgs Nguyễn Đức Từ Chi có Hoa văn Mường (phát hiện hoa văn cạp váy Mường là nơi duy nhất lưu giữ được dư ảnh của truyền thống nghệ thuật Đông Sơn); Người Mường ở Hòa Bình (qua nghiên cứu ruộng lang, dựng được mô hình chế độ nhà lang, góp phần nghiên cứu về nhà nước thời Văn Lang - Âu Lạc), Cosmologie Muong (Vũ trụ quan Mường: Khám phá được vũ trụ quan Mường là ba tầng bốn thế giới khi nghiên cứu tang ca)... thì nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân cũng góp công lớn trong việc sưu tầm, giới thiệu sử thi Đẻ đất đẻ nước, toàn bộ hệ thống Mo lên trời (bài ca đưa hồn người đã khuất đến cõi vĩnh hằng); khảo sát, tìm hiểu những vấn đề quan yếu nhất của người Mường Trong như: Đời sống tinh thần - vật chất, nghệ thuật ẩm thực, lễ tục lễ hội... Cần nói thêm là nhờ công sưu tầm, giới thiệu của ông mà năm 1973, một hội nghị khoa học lớn về sử thi Đẻ đất đẻ nước đã được tổ chức ở Thanh Hóa, quy tụ hầu hết các nhà nghiên cứu văn học, văn hóa có uy tín nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Năm 1974, tập kỷ yếu hội nghị khoa học được in. Thành công, tiếng vang của hội nghị và tập kỷ yếu rất lớn, thậm chí còn vượt qua vĩ tuyến 17, đến nỗi có tờ tạp chí ở Sài Gòn đăng bài viết của Hoàng Anh Nhân. Vì bài viết ấy, công an nhiều lần mời ông lên làm việc với suy nghĩ khá thô sơ, đơn giản: Được tạp chí “phía bên kia” đăng tức là có vấn đề về chính trị. Cũng may, lãnh đạo tỉnh khi ấy (Bí thư Võ Nguyên Lượng) đã kịp thời can thiệp vì biết ông thuộc mẫu người “chuyên môn thuần túy” và chuyện tạp chí ở Sài Gòn in bài không do ý muốn của bất kỳ ai.
       Quay trở lại những đóng góp của Hoàng Anh Nhân. Với Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong, ngòi bút của ông như ngọn đèn đã rọi sâu vào những gì linh thiêng, huyền bí nhất trong đời sống tâm linh của một cộng đồng người, khẳng định điểm tích cực trong thế giới quan, nhân sinh quan của họ về lẽ sinh - tử. Này là tang lễ Mường, một trong những nơi biểu hiện tình nghĩa sâu nặng nhất về quan hệ giữa người sống với người chết và ngược lại. Chẳng thế mà có đến hơn 60 lễ thức trong một đám tang, mỗi lễ thức đề cập đến một khía cạnh có liên quan đến sự sống và cái chết. Trong đó, chỉ riêng phần mở đầu tang lễ đã có 16 lễ thức, mỗi lễ thức có một lễ ca riêng. Và nếu nghi lễ tang ma, thờ cúng tổ tiên thể hiện quan niệm về cõi chết thì nghi lễ vía, đặc biệt nghi lễ vía trúa “thể hiện cung cách hình thành cộng đồng, xây dựng cơ nghiệp, hoàn thiện nhân cách con người nơi cõi sống”... Với Văn hóa giao duyên Mường Trong, ông tái hiện về “cấu trúc vốn có của văn hóa giao duyên Mường Trong gồm bốn loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian: Trò chơi dân gian là chơi bòn; họa tiết hoa văn là ký thác bằng hoa văn; nghi lễ dân gian lễ tri ân vua Ba Vì là chơi bông chơi hoa; diễn xướng dân gian là xường cài hoa đan trái”. Ông nhận thấy “bốn loại hình văn nghệ ấy, bằng thủ pháp nghệ thuật riêng, bằng hương sắc riêng, đã hợp sức lại tạo cho văn hóa giao duyên Mường Trong có nội dung phong phú, màu sắc hài hòa. Đặc biệt, vô cùng sâu sắc và tinh tế khi diễn đạt những cung bậc tình yêu, những trạng thái tình cảm, làm nổi lên ý nghĩa lớn lao của văn hóa giao duyên Mường Trong đối với cuộc sống” song cũng vô cùng đau xót vì “đến nay, hệ thống văn hóa giao duyên Mường Trong đã bị xé ra từng mảnh”.
       Với nghệ thuật ẩm thực Mường, ông khảo tả nhiều “món ngon nhớ lâu” gồm 9 món ăn sống, 8 món ủ chua, 12 món nướng, 5 món ăn lam, 12 món ăn đồ, 6 món ăn bính, 9 món nấu, 5 loại bánh, 4 loại mâm cơm, các hình thức uống rượu cần trong ngày cưới, trong tang lễ... đồng thời chỉ cho mọi người cách chọn nguyên liệu, chế biến sao cho có bữa ăn ngon miệng, hấp dẫn. Mấy ai không ngạc nhiên thú vị khi biết người Mường có món tiết canh cua đá, bánh trứng kiến; “làm cơm tiếp khách mà nướng (mổ thịt) trâu, bò hay lợn thì mỗi bộ phận trong con vật khi đã luộc chín, được thái mỏng và bày trên lá chuối theo quy định: Nướng trâu mỗi thứ thái 9 miếng và bày 9 vòng; nướng bò mỗi thứ thái 7 miếng và bày 7 vòng; nướng lợn mỗi thứ thái 5 miếng và bày 5 vòng”...?
       Thế còn lễ tục lễ hội Mường? Xin thưa, chỉ một lễ tục Pồn Pôông - “trò múa hát chơi bông chơi hoa, một sinh hoạt văn hóa hấp dẫn đối với tuổi trẻ, một kiểu giao duyên đặc sắc, có giá trị nhiều mặt trong văn hóa Mường”... ông đã khảo tả trong 53 trang sách. Nội dung ấy, nếu thêm phần về lịch sử - văn hóa truyền thống của một vùng đất cùng những kiến nghị, đề xuất và liên hệ với đường lối xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay... ít nhất cũng đủ tầm một luận văn Thạc sĩ.
       Trong gia tài văn hóa của nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, còn có tập đại thành Tuyển tập Sưu tầm - Nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa (1.300 trang khổ to, bìa cứng; nxb Thanh Hóa 2015). Tựa sách ấy phản ánh chính xác những đóng góp của một đời cày cuốc trên cánh đồng văn hóa dân tộc.
       Cuốn Tuyển tập Sưu tầm - Nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa tập hợp những bài viết không chỉ về văn hóa Mường của nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân. Cùng với Cõi người qua tín ngưỡng Mường Trong, Văn hóa giao duyên Mường Trong... đây chính là thành quả nghiên cứu tập trung nhất của ông. ở công trình này, Hoàng Anh Nhân bộc lộ rõ sở trường của mình là coi trọng tư liệu, khảo cứu công phu, thể hiện một thái độ làm việc nghiêm túc với hơn 400 trang nghiên cứu văn hóa dân gian người Việt và văn hóa làng Việt. Ông thuộc những người đi tiên phong trong cả nước nghiên cứu văn hóa làng, làng văn hóa và khẳng định nền tảng vững chắc của văn hóa làng, từ đó đề xuất xây dựng làng văn hóa trên cơ sở bảo tồn vốn văn hóa truyền thống. Với các dân tộc anh em cùng cư trú trên mảnh đất xứ Thanh lịch sử, ông tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Thái; sưu tầm truyện cổ các dân tộc Dao, Khơ mú, Mông...
Có thể nói, Tuyển tập Sưu tầm - Nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa thêm một lần khẳng định tầm vóc Hoàng Anh Nhân. Tên ông vượt ra khỏi đèo Ba Dội, trở nên quen thuộc với các sinh hoạt của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; là niềm tự hào của bạn bè, đồng nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 3-2-2016, ông được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khen ngợi, hoan nghênh trong buổi gặp trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu cả nước... Lời ghi nhận của Tổng Bí thư “Bác tuổi đã cao mà vẫn đóng góp vào sự nghiệp chung, vậy là rất quý” như khích lệ ông tiếp tục cống hiến dù đã vượt qua bát tuần thượng thọ!
                                                                                                                                                   P.V.T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 31
 Hôm nay: 172
 Tổng số truy cập: 9266708
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa