Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Vương Anh - Nhà thơ của xứ Mường - Nguyễn Mạnh Tiến
Vương Anh - Nhà thơ của xứ Mường - Nguyễn Mạnh Tiến


       Sinh năm 1944 tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, nhà thơ Vương Anh được nhiều người biết khi ông được giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969. Song hành với sự nghiệp của một người làm công tác quản lý văn hóa tại địa phương khi ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa... Vương Anh còn được xem là nhà thơ nổi bật của người Mường nói riêng và các nhà thơ dân tộc miền núi nói chung. Đến nay, nhà thơ Vương Anh đã có gần chục tập thơ, trường ca như: “Sao chóp núi” (trường ca, 1968), “Trăng mắc võng” (thơ, 1973), “Tình còn” (thơ, 1978), “Đến hẹn” (thơ, 1983), “Hoa Li-pa yêu” (thơ, 1989), “Rượu mặn” (thơ, 1993), “Hồn chiêng gánh núi” (trường ca, 2008)...
       Vương Anh có một sự nghiệp thơ đa dạng về chủ đề, nguồn cảm xúc và thể loại. Chúng tôi, trong cái nhìn về nhà thơ Vương Anh, không có chủ ý nhìn Vương Anh trong tổng thể sáng tạo của ông, mà chọn nhìn trong lát cắt riêng văn hóa cồng chiêng, văn hóa Mường đã ảnh hưởng đến thơ Vương Anh. Cồng, chiêng - di sản văn hóa Mường như là một chất liệu và cảm xúc vĩnh cửu, được ký ức cộng đồng nuôi dưỡng, bồi đắp và truyền trao mạch nguồn văn hóa, sáng tạo tập thể ấy nhập vào người con Mường làm thơ Vương Anh. Hiểu điều ấy, chúng ta sẽ hiểu vì sao thơ Vương Anh ở hầu khắp các tập thơ của mình, tiếng cồng, chiêng đều vang vọng, và đến cuối đời thì âm vang chiêng, cồng đến dữ dội hơn trong trường ca “Hồn Chiêng gánh núi” (2008).
       Trong di sản văn hóa Mường, cồng chiêng luôn hiện hữu đồng thời với hiện hữu người Mường. Cồng chiêng vang lên khi đứa bé Mường chào đời, đến khi người con Mường qua đời. Cồng chiêng nói thay tâm tình giữa người với người, thay người liên lạc với thần linh, dẫn linh hồn người Mường chu du, lang thang qua vũ trụ “ba tầng bốn thế giới” Mường. Sở hữu cồng chiêng là thước đo địa vị xã hội người Mường... Cồng chiêng, do đó, là tiếng lòng người Mường ngàn đời ngân vang, âm âm khắp rừng khắp núi.
       Chính bởi thế, chúng ta không ngạc nhiên vì sao cuối đời hồn thơ Vương Anh lại bị cồng chiêng thôi thúc giục giã và từ đấy hiện hữu một tập trường ca. Đấy chính là nguyên tắc khi con người về già - ở đây là con người làm thơ về già, những ký ức tập thể càng trỗi dậy mãnh liệt khao khát. ở tuổi già, đối diện thường trực với hư vô, niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo, thường mãnh liệt hơn thời thơ trẻ:
       Như con chiêng bay đi
       Như con chiêng bay về...
       Bay về
       Bay về...
       Đánh thức từng dấu vết loài vật, loài người.
       Chiêng phang ở đầu trời
       Âm vang rơi trả về cuối đất
       Đất nào!
       Hỡi mảnh đất Mường
       Chẳng tắt mùa hoa.

       Tìm về với cồng chiêng, thông qua sáng tạo thơ, đấy cũng là một lối kết nối của con người Vương Anh với văn hóa xứ sở. Đã là người con của xứ Mường, dù phiêu bạt ở đâu, làm nghề gì thì tâm hồn Mường vẫn mãi réo gọi. Quê nhà xưa, xứ Mường của nhà thơ hiện ra trước hết qua những hình ảnh nhân văn, được nhà thơ nuôi dưỡng bằng những thi ảnh đẹp và ấn tượng theo logic suy tưởng rất Mường:
       Để con suối vặn mình
       Đừng nhìn trộm
       Nàng Ngâu vén váy chín tầng mây
       Suối xõa tóc
       Nước trời gửi tặng.
       Sông cái còn đòi nợ trăm bàn tay đất
       Trăm dòng suối mởn mơ,
       Suối cài bông sấm,
       Suối chụm bông chớp...
       Bông sấm nâm nấm tai măng,
       Bông chớp mỡ màng cánh tay sơn nữ.

       “Suối - nàng Ngâu/ Mưa-sông-sấm-chớp”, ở đoạn thơ trên được mã hóa trong liên tưởng so sánh “Vặn mình/ Mởn mơ - vén váy/ Xõa tóc - trăm bàn tay đất - nâm nấm tai măng - mỡ màng cánh tay sơn nữ”. Quan hệ liên tưởng, so sánh thơ ở đây được mã hóa qua cái nhìn toàn thể miền núi của nhà thơ. Nhà thơ dân tộc thiểu số do đó trước khi xuất phát từ nguồn gốc, lý lịch, đề tài, nội dung, quan điểm để tìm cái “miền núi” trong thơ, theo chúng tôi, có lẽ nên đi từ tư duy thơ mang “logic tộc người” (hay nói đúng hơn, như nhà nghiên cứu xã hội học và nhân học người Pháp Lucien Lévy-Bruhl là “tư duy tiền logic”). Cái tư duy tiền logic thì bao giờ cũng mang đầy tính huyền thoại, điều mà chúng ta dễ dàng khảo sát trong hầu khắp kho tàng thơ ca các tộc người. Thơ Vương Anh cũng đầy tính huyền thoại, cái huyền thoại do tộc người truyền trao. Chính cái tư duy thơ tộc người di truyền cho nhà thơ, mà thơ các tác giả dân tộc thiểu số mới có sự hấp dẫn riêng bởi cái khác về tư duy thơ. Và do đó, khi miêu tả phong cảnh quê hương, các nhà thơ miền núi luôn biết cách gẩy ra những hình ảnh mang tính đặc thù văn hóa tộc người đậm nét. Chính văn hóa tộc người, từ nẻo này, hay nẻo khác, cùng vun vào nuôi sống những bài thơ Vương Anh. Nên văn hóa tộc người, bao giờ cũng vậy, giúp nhà thơ có một cái nhìn riêng về sự vật thế giới:
       Chiêng trốn ở đầu khe
       Gió lục tung lũng suối
       Chiêng nấp vào cây lim
       Cồng leo dây tròng trành
       Hãy nấp vào cánh bướm
       Cồng thức dậy cho sớm
       Để gióng hồi cồng thăm
       Chiêng ngẩng mặt nhìn trăng
       Để soi tìm bầu bạn.

       Ngày nay, con chiêng, cái cồng vẫn ngân vang lời gọi trăng trong thơ Vương Anh. Từ dân tộc đến hiện đại, người ta vẫn thích nói như thế, ở Vương Anh, hình như không thấy có sự chia biệt dân tộc và hiện đại. Dân tộc chính là hiện đại. Dân tộc không phải là cái gì xưa cũ mà cần phải nỗ lực “đến” hiện đại. Dân tộc là một giá trị, và hiện đại là một giá trị - du nhập từ mô hình phương Tây, chúng không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau cùng tồn tại làm phong phú thêm các giá trị văn hóa.
       Cồng chiêng và nàng trăng từ dân gian vẫn chảy say đắm và uyển chuyển, tình tứ trong tiếng thơ nhà thơ Mường hiện đại Vương Anh: “Tôi ngấm hơi thở sử thi, phong vị, phong cách thơ dân tộc Mường tôi”.
                                                                                                                                     N.M.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 131
 Hôm nay: 9262
 Tổng số truy cập: 7199021
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa