Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Kiều Vượng - Một đời văn - Lê Ngọc Minh
Kiều Vượng - Một đời văn - Lê Ngọc Minh


       Nhà văn Kiều Vượng sinh năm 1944 tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông có hơn hai mươi đầu sách đã được xuất bản gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và bút ký. Ngoài ra ông còn là một nhà báo với nhiều phóng sự, ký sự rất cập nhật thời cuộc, một tác giả đoạt giải cao trong các cuộc thi Kịch bản điện ảnh. Hiện ông là Trưởng văn phòng đại diện tuần báo Văn nghệ tại khu vực Bắc miền Trung; Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
       Nhà văn Kiều Vượng đã đạt nhiều giải thưởng văn học và điện ảnh: Giải thưởng văn học về đề tài giao thông của Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam; Giải nhất kịch bản phim tài liệu và Giải nhì kịch bản phim truyện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giải thưởng văn học sông Mê Kông; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2017...
       Tôi đang có công việc ở vùng sâu vùng xa miền tây Thanh Hóa, cụ thể là ở khu đền thờ Trung Túc vương Lê Lai ở xã Dựng Tú, huyện Ngọc Lặc thì nhận được cuộc gọi của nhà văn Kiều Vượng, ông nói, khi nào về Thanh, ghé chơi để ông tặng sách mới. Tôi cảm động và thật thà khai: “Em đang ở Thanh Hóa quê mình rồi, anh giai ơi”. Giọng trong máy của Kiều Vượng vui hẳn lên, nhà văn giục tôi cố đến sớm vào ngày hôm sau. Muốn có một sự bất ngờ, tôi nói với anh xế của đơn vị tài trợ chuyến công tác cho về thị trấn Lam Sơn. Từ đó tôi nhảy xe bus về thẳng văn phòng đại diện báo Văn nghệ, khu vực Bắc miền Trung, nằm trên đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa. Vừa chào hỏi chủ nhà xong, tôi choáng, vì thấy Kiều Vượng đã để sẵn bộ “Kiều Vượng - Một đời văn” trên bàn viết. Tôi giở xem thấy ông đã đề sẵn lời tặng. Đó là bộ tuyển tập tác phẩm gồm ba cuốn của nhà văn về các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và thơ với hơn ba ngàn trang in khổ rộng. Nhà văn Nguyễn Văn Đệ, người bạn văn xứ Thanh thân thiết đã đến làm khách ít phút trước đó rỉ tai tôi, bảo: “Nặng tới bảy ký, bảy ký, khiếp chưa!”. Tôi nâng nâng bộ tuyển tập như ước định trọng lượng rồi nói vui: “Phải bảy vạn ký, bảy triệu ký vì hàng trăm nhân vật có số phận nặng như núi Nưa, núi Nhồi, núi Hàm Rồng quê ta đấy!”. Ba anh em cười tóa cùng vui, cái vui của tình nghĩa bè bạn cầm bút đồng hành, đồng cảm trong cõi văn chương nhọc nhằn nhưng đầy thú vị... 
       Tôi quen biết nhà văn Kiều Vượng chừng ngót ba thập niên trước.
       Chuyện là hồi cuối năm 1990, một lần ghé quê nhân về Thanh công tác, tôi gặp cảnh bà chị họ, chắt cô chắt cậu, vừa sụt sịt khóc vừa đọc một cuốn sách tương đối dầy. Cứ ngỡ bà chị lỡ duyên của mình đang đọc cuốn sách dạng melodrame (bi kịch sướt mướt) nào đó, không ngờ lại là cuốn tiểu thuyết Vùng trời thủng của nhà văn Kiều Vượng mới ra lò. Chị họ tôi trước đây xinh gái và học giỏi bậc nhất trường làng, vì con nhà thành phần nên không vào được cấp 3; năm 1968, mới chưa đầy mười bảy tuổi chị xin đi thanh niên xung phong mở đường sang Lào. Sau, thấy chị có sức khỏe lại biết bơi lội chèo thuyền nên cấp có thẩm quyền thuyên chuyển chị sang làm dân công thuyền nan hỏa tuyến, chở hàng vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Cứ thế, đời chị mỏi mòn với bom đạn, với sông nước và bị mang tiếng dân công thuyền nan nên nhỡ hết cả một thì con gái. Khi xuất ngũ thanh niên xung phong, chị về làng nuôi một cháu bé và gây dựng cho nó để dựa lúc tuổi tác về già. Chị họ tôi khóc vì gặp một phần đời tuổi trẻ trong thân phận nhiều nhân vật nữ của Vùng trời thủng. Nghe câu chuyện có liên quan đến thân phận chị, tôi mượn Vùng trời thủng, mở lướt xem, thấy trang trang đã thấm loang nước mắt. Đọc suốt buổi chiều và lấn sang tối vài giờ nữa thì xong. Trong tôi chộn ngộn nỗi niềm với các nhân vật được nhà văn miêu tả đến từng chi tiết nơi khuất nẻo nhất, có những chuyện thật hãi hùng, một nữ thanh niên xung phong lỡ đạp phải tổ ong rừng. Cô bị đàn ong cả nghìn con đốt đến chết, thi thể bị sưng chướng không thể cho vào áo quan được; một cô gái nạn nhân khác, khi đêm tối đau bụng đi vệ sinh đã bị trọng thương vào chỗ kín bởi một cây cọc oan nghiệt, cô xấu hổ giấu, mất máu nhiều, chết thảm... Đọc rồi, tôi hiểu vì sao bà chị họ cựu thanh niên xung phong của tôi đã khóc cạn nước mắt khi đọc Vùng trời thủng. Hôm sau lên tỉnh tiếp tục chuyến công tác và ngay lúc cuối ngày, tôi đến nhà xuất bản Thanh Hóa, nơi nhà văn Kiều Vương làm việc, xin gặp ông với ý định chuyển thể cuốn Vùng trời thủng thành kịch bản một bộ phim điện ảnh có độ dài chừng 90 đến 100 phút. Kiều Vượng rất mừng, ông còn cung cấp cho tôi những ngoại truyện mà ông chưa đưa vào Vùng trời thủng. Tôi hứng khởi bắt tay vào cuộc. Khi kịch bản viết xong đang trong thời gian trình phê duyệt để bấm máy thì gặp lúc ngành Điện ảnh chuyển đổi cơ chế, từ sản xuất vài chục phim nhựa mỗi năm trước đây, chỉ còn lại một hai phim theo đơn đặt hàng của nhà nước. Dòng phim mì ăn liền được quay bằng băng hình giá rẻ do tư nhân bỏ vốn đội mác hãng phim quốc doanh đã thắng thế. Tôi buồn bã thông báo cho Kiều Vượng. Ông nói: “Chỉ là mình chưa có duyên với điện ảnh thôi!”.
       Từ đó tôi đều đặn đọc Kiều Vượng. Đọc rồi, tôi nhận ra, thời gian vào cuối những năm 1980 và cả thập niên 1990, Kiều Vượng hầu như giành thời gian cho hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Đó là Người cuối cùng ở lại (1987), Sóng gió (1988), Vùng trời thủng (1990), Đoạn cuối cuộc đời (1992), Một đoạn đời (1995), Những cuộc đời thầm lặng (1996), Nơi mẹ đẻ ra tôi (1996), Vùng đất từng nổi tiếng (2000), Chuyện ở núi Rồng (2001)... Các sáng tác vào loại xuất sắc của ông phần nhiều cũng ra đời trong thời gian này. Phải thôi, vì tác giả đã đến độ chín nghề nghiệp. Cùng với đó, cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, việc làm bấp bênh nơi nhiệm sở và một số quan hệ đồng nghiệp không mấy ấm êm đã thấm đẫm trong từng trang văn, trong từng cuốn sách thuộc loại để đời của ông.
       Sinh ra ở miền đất ăn sóng nói gió, tuổi thơ của Kiều Vượng là cả một quãng đời sớm lăn lộn kiếm sống với hoàn cảnh của một chú bé mồ côi cha khi mới lên bảy. Bước tiếp vào đời bằng nghề sông nước, ở tuổi mười tám Kiều Vượng đã được lên chức chủ một con thuyền của hợp tác xã vận tải, rồi anh vào bộ đội nhưng không đủ điều kiện đi chiến đấu vì gia đình dính tí thành phần phú nông nên bị chuyển sang dân sự - đoàn công tác miền Tây với nhiệm vụ giúp Lào xây dựng cơ sở vật chất ở vùng giải phóng Sầm Nưa. Trở thành đảng viên năm 22 tuổi, trong một cuộc cứu thuyền và đồng đội nên được cấp trên quyết định kết nạp Đảng tại trận ở cửa Lạch Cờn, Nghệ An.
       Một năm sau đó, Kiều Vượng làm Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ của Công ty Vận tải thuyền nan. Trong chiến dịch mang biệt danh VT5 dưới sự chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Anh và Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Hoàng Văn Hiều nhằm chi viện nguồn lực cho chiến trường, Đoàn Vận tải Lam Sơn được thành lập, gồm 500 nam nữ thanh niên ưu tú trong đó có 80 đảng viên, Kiều Vượng được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy đoàn. Chính cuộc đời lăn lộn mưu sinh từ tấm bé và những thử thách nơi điểm mút cam go thời chiến trận nên mỗi trang viết của Kiều Vượng mang đậm dấu ấn bản thân và sinh mệnh của bao đồng đội. Những bức khắc số phận của anh và người cùng thời đã hiện lên trang văn chân thực sinh động, đậm dấu ấn tự sự, tự truyện (Một đoạn đời, Nơi ấy mẹ đẻ ra tôi, Bão không có gió...); đầy tình huống, tình tiết làm lay thức thần kinh xã hội (Chuyện ở Núi Rồng, Đoạn cuối cuộc đời, Những cuộc đời thầm lặng...) và gợi khơi, dồn nén xúc cảm người đọc như trường bà chị họ của tôi (Vùng trời thủng...).
       Không biết câu nói “chưa có duyên với điện ảnh” của Kiều Vượng khi kịch bản phim Vùng trời thủng bất thành có bị dớp hay không mà sau này nhà văn còn hai cuốn tiểu thuyết nữa dù đã được các nhà làm phim vồ vập nhưng chúng vẫn đang còn là phim trên... giấy. Với tiểu thuyết Chuyện ở núi Rồng, tôi đã được nghe nhà văn kể về thân phận các nhân vật chính trước khi ông hạ bút viết. Đó là cuộc đánh phá thảm khốc của địch và những đố kị nghi ngờ của một thời ấu trĩ, một thời cái tôi bản lĩnh của con người chính trực lại là cái gai trong mắt của không ít người nhân danh điều kiện bảo mật thời chiến, nhân danh thứ tập thể siêu hình đã làm nên một thiên truyện ám ảnh với các thân phận thua thiệt đến mức oan khiên, bầm dập, ngậm hờn như Na, như Mai...!
       Tại hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Hà Phạm Phú (Giám đốc) và nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã viết xong kịch bản Chuyện ở núi Rồng cho bộ phim truyền hình 5 tập. Hai nhà văn đã được các cơ quan hữu quan của Thanh Hóa mời vào làm việc nhiều lần nhưng kịch bản vẫn chưa thành phim.
       Khi tiểu thuyết Bão không có gió vừa ra lò liền được các cơ sở điện ảnh là Hãng phim Vàng và chi nhánh Hãng phim truyện Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh ký hợp đồng mua bản quyền. Thế mà không hiểu do đâu, hai dự án làm phim, cái đã có kịch bản, cái đã viết xong đề cương phân thành ba mươi tập, chi tiết đến từng trường đoạn vẫn đang còn là các bộ phim trên... giấy.
       Nói vậy không phải là nhà văn Kiều Vượng hoàn toàn chưa có duyên với điện ảnh. Ông đã từng đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác kịch bản văn học cho điện ảnh, đã có tác phẩm được dựng phim và đoạt giải thưởng. Thế nghĩa là, với nghệ thuật thứ bảy, ông cũng đã vài lần bén duyên.
       Tôi nhớ, tại cuộc thi kịch bản phim truyện năm 2000 do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, nhà văn Kiều Vượng đã đoạt giải Nhì (cuộc thi không chấm được giải Nhất) với kịch bản Chở đá lên núi. Đạo diễn, diễn viên NSƯT Trần Lực thích thú nhận kịch bản ấy làm thành bộ phim Hai Bình làm thủy điện. Bộ phim đã tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 tại thành phố Vinh và được tặng Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2004. Sau đó, nhà văn Kiều Vượng ẵm giải Nhất khu vực phim tài liệu trong cuộc thi kịch bản các thể loại năm 2008-2009 của Cục Điện ảnh với kịch bản Nguyên liệu. Một nhà văn đóng góp cho nghệ thuật điện ảnh chừng ấy là đáng ghi nhận thành tựu rồi. Nhà văn Kiều Vượng cũng đã được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, năm 2010.
       Nói về đời văn của Kiều Vượng, không thể không trân trọng mảng bút ký của ông. Dường như không địa phương nào, không một ngành nghề mũi nhọn nào ở Thanh Hóa lại vắng bóng trong những bài bút ký của Kiều Vượng, khi là các trang viết ăm ắp câu chữ nâng niu cổ súy, động lực mới, nhân tố mới; khi là những phát hiện cảnh báo nghiêm khắc, tuyên chiến với khuất tất, tiêu cực... Kiều Vượng đã có hẳn một tập bút ký bốn trăm trang về thành phố Thanh Hóa (Thành phố của niềm tin); ông không những là cây bút viết đều, viết hay về Công ty mía đường Lam Sơn và Anh hùng Lao động Lê Văn Tam mà còn là nhà văn đã hơn một lần đứng ra sưu tầm biên tập tuyển chọn thơ văn của văn sĩ, thi sĩ cả nước viết về địa chỉ trên, xuất bản thành nhiều tập sách rất có giá trị.
       “Tứ hải giai huynh đệ” là câu nói, là ứng xử tâm nguyện của kẻ sĩ, nhất là kẻ sĩ của “đạo” văn chương. Nhà văn Kiều Vượng là con người của tình bè bạn tâm giao chí cốt, là con người của trách nhiệm và tận tụy đến mức chu toàn. Ông coi công việc của bạn bè như công việc của mình.
       Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Khắc Trường, Lê Lựu, Dương Thu Hương, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh... đi công cán, đi thực tế ở Thanh Hóa trong những năm đói kém nhất đều tá túc ở nhà Kiều Vượng; sau này các nhà văn Hà Phạm Phú, Chu Lai, Lê Ngọc Minh, Hà Đình Cẩn, đạo diễn Trần Lực... mỗi lần vào Thanh Hóa không thể quên việc alo để nhà văn Kiều Vượng lên kế hoạch đón tiếp và hướng đạo các chương trình đi, viết, hiểu về xứ Thanh.
       Năm 2016, giữa những ngày hè nóng bức đến gần 40 độ, tuần báo Văn nghệ mở trại viết truyện ngắn tại thành phố Sầm Sơn. Mười bảy tác giả đến từ nhiều miền đất nước và đông đảo các văn nghệ sĩ ở Thanh Hóa đã có một chương trình sinh hoạt trao đổi giao lưu văn nghệ và đi thực tế đến năm địa phương đang có nhiều trăn trở bứt phá đi lên của tỉnh Thanh Hóa rộng lớn. Để làm được các việc đó hẳn đã có một ban tổ chức trại viết hoạt động đều tay nhưng ai đã dự trại đều thấy công sức dấu ấn của nhà văn Kiều Vượng. Ông có mặt đến mười mấy giờ mỗi ngày, sâu sát đến mỗi hoạt động của trại viết. Tôi ái ngại khi nhìn sức khỏe của ông không được tốt, nhắc ông phải có cái can để chống chèo khi bị tình huống bất ngờ. Kiều Vượng tự tin: “Anh cố được!”.
       Thế rồi đang ở công ty Mía đường Lam Sơn, tôi nhận được tin Kiều Vượng phải nhập viện. Ngày bế mạc trại viết, ông không tham dự được. Mất đi một khoảng vui của hội tụ kết quả!
       Từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, ông phải chuyển về trung tâm phục hồi chức năng ở thành phố Sầm Sơn để điều trị. Tôi đến thăm trong lúc các thầy thuốc đang hết sức cố gắng phục hồi chức năng đôi chân cho ông, nhìn thần sắc của ông khá tốt, tôi đã thầm mừng.
       Nhưng ít lâu sau đó, trong phôn, ông nói ngắn: “Thất bại rồi!”. Tin quá dữ. Tôi hiểu đôi chân thiên lý vạn lý khắp miền tây xứ Thanh và Lào - những Quan Hóa, Mường Lát, Tén Tằn, Hồi Xuân, La Hán, Na Mèo, Sầm Nưa...; đôi chân đứng thế chữ bát trụ vững trên những chuyến thuyền nan từ sông Mã quê hương men bờ biển Đông vào kênh Nhà Lê, vào sông Cả, sông La (Nghệ An, Hà Tĩnh) vào đến tận sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang (Quảng Bình)... đã bất lực những bước đi, đã phải thõng thuột trên chiếc xe lăn.
       Trong những ngày ấy tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc bút ký “Kiếp nạn cuối cùng” của Kiều Vượng trên báo Văn nghệ. Bút ký vừa hiện thực vừa loang loáng hình bóng tâm linh. Hiển hiện một con người, một nhà văn lăn lộn trong dâu bể trần ai, vững vàng một đức tin hướng nghiệp và hướng thiện, dù ở nơi khuất lấp nhất vẫn nồng ấm và cháy sáng một phẩm chất gắng gỏi, không chịu để hoàn cảnh hàng phục, nguyện làm một bông hoa lành của đất đai xứ sở quê hương.
       Vì thế, tôi đã không quá mạo muội khi nói với bạn văn Nguyễn Văn Đệ, tổng tuyển tập tác phẩm “Kiều Vượng - một đời văn” có một trọng lượng rất nặng ký, khó cụ thể bằng cân đong theo phép đo lường cơ học.
                                                                                                                                 L.N.M 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 94
 Hôm nay: 4963
 Tổng số truy cập: 9242153
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa