Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Văn học, nghệ thuật xứ Thanh hướng tới giá trị Chân-Thiện-Mỹ xứng đáng với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng quê hương - Đỗ Trọng Hưng
Văn học, nghệ thuật xứ Thanh hướng tới giá trị Chân-Thiện-Mỹ xứng đáng với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng quê hương - Đỗ Trọng Hưng

Kính thưa nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Thường trực ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!
Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!
Thưa các vị đại biểu khách quý và toàn thể Đại hội!

Trong không khí phấn khởi về những thành tựu của quê hương, đất nước đạt được trong năm 2017 và chuẩn bị đón chào năm mới 2018. Hôm nay, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất vui mừng tới dự Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX, nhiệm kỳ 2017-2022. Đây là sự kiện chính trị - văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của công tác hội và phong trào văn học, nghệ thuật tỉnh nhà.
Tại diễn đàn trọng thể của Đại hội, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các quý vị đại biểu khách quý; chào mừng toàn thể văn nghệ sỹ trong tỉnh đã về dự Đại hội. Xin chúc các đại biểu và toàn thể cán bộ, hội viên, văn nghệ sỹ trong toàn tỉnh những tình cảm thân thiết và lời chúc nồng nhiệt nhất.
Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp!
Thưa các quý vị đại biểu khách quý!
Thưa toàn thể Đại hội!

Suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng và văn hiến của dân tộc, bằng sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước, yêu quê hương, nghĩa đồng bào sâu nặng, các thế hệ người Việt Nam ta đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên một nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thấm nhuần quan điểm “Nghệ thuật - vũ khí, nghệ sĩ - chiến sĩ”, văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ đã phát huy vai trò to lớn của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự trở thành cội nguồn sức mạnh dân tộc, nền tảng tinh thần của xã hội, vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, góp phần làm giàu đẹp hình ảnh của dân tộc Việt Nam đại nghĩa, anh hùng và đậm nét văn hóa.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu luôn quan tâm đến sự nghiệp văn học, nghệ thuật, Người khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Và Người cũng đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn chương “vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”, vô cùng cao thượng và phong phú như chính cuộc đời của Người.
Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, nổi tiếng với nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các giá trị văn hóa làm say đắm lòng người. Đây cũng là cái “nôi” sản sinh ra nhiều tác giả, tác phẩm, công trình nghệ thuật có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi những giá trị tư tưởng cao đẹp và giá trị văn học, nghệ thuật đặc sắc, mãi trường tồn với dân tộc, được đông đảo công chúng ngưỡng mộ, ngợi ca, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa và rạng rỡ nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Chúng ta mãi khắc ghi những văn nghệ sĩ Thanh Hóa với “bầu nhiệt huyết căng tràn” và “mạch đời căng máu nóng”, đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, ra sức lao động sáng tạo, sẵn sàng đến những nơi tuyến đầu của các mặt trận, đội mưa bom, hứng bão đạn trên các chiến trường ác liệt nhất, gắn bó máu thịt với Nhân dân, với bộ đội, làm nên những tác phẩm có giá trị, cỗ vũ tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, tô thắm sắc cờ đỏ vinh quang của Đảng, của Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã chung tay gánh vác sứ mệnh người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, luôn đồng hành cùng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.
Là một phần không thể tách rời trong nền văn học nghệ thuật nước nhà, nhiệm kỳ 2012-2017 vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành Trung ương; sự quan tâm lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; Hội Văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Hoạt động sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chuyển biến tích cực. Các tác phẩm, ấn phẩm văn học ngày càng phong phú, đa dạng, hình thức thể hiện có nhiều đổi mới. Thông qua cái đẹp của các hình tượng nghệ thuật, nhiều tác phẩm đã hướng độc giả vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, với tính chiến đấu và tính nhân văn cao cả, sâu sắc. Nhiều tác giả đã tích cực phát hiện cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp, tiến bộ; biểu dương, nêu gương những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, rèn luyện; đồng thời, thẳng thắn phê phán thói hư, tật xấu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Tạp chí Xứ Thanh có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện, với nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khắc họa sinh động đời sống kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa đậm đà sắc thái quê hương, góp phần làm cho hình ảnh về tình đất và người xứ Thanh tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, dũng cảm trong chiến đấu, hăng say, sáng tạo trong lao động sản xuất, đang chuyển mình bứt phá đi lên, đến với đông đảo công chúng, bạn đọc trong và ngoài nước.
Cùng với việc nâng cao chất lượng giải thưởng văn học nghệ thuật Lê Thánh Tông; năm năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã có hàng ngàn tác phẩm, tiết mục tiêu biểu tham dự các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, các hội diễn sân khấu, điện ảnh... mang tầm quốc gia và đạt giải cao.
Công tác hội tiếp tục có nhiều đổi mới. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã thể hiện rõ vai trò trung tâm đoàn kết, tập hợp anh chị em văn nghệ sĩ. Ngoài việc duy trì tốt các hoạt động nghề nghiệp, tổ chức các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, hội thảo, tọa đàm để nâng cao chất lượng tác phẩm và các hoạt động chuyên môn, Hội còn tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực, đáp ứng công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. 
Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Hội Văn học Nghệ thuật và anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà, đã có nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các phần thưởng, danh hiệu cao quý, các giải thưởng về văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, với những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ 2012-2017, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì. Đó là minh chứng sinh động cho sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự bền bỉ trong lao động sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, kết quả mà Hội Văn học Nghệ thuật và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Thưa các quý vị đại biểu! 
Thưa toàn thể Đại hội!

Phấn khởi với những thành tích và kết quả đạt được, chúng ta cũng nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá những khó khăn, hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đó là: vẫn chưa có nhiều những tác phẩm phản ánh sâu sắc bước chuyển mạnh mẽ của đời sống xã hội, những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, đạo đức và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc, đúng tầm vóc, tương xứng với những thành tựu phát triển đi lên của tỉnh nhà. Văn học nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; còn chạy theo các sự kiện, chưa làm được nhiều chức năng dự báo xã hội; chưa có nhiều tác phẩm văn học, sân khấu, nhiếp ảnh phê phán, uốn nắn những thói hư tật xấu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những tập tục lạc hậu, để góp phần xây dựng những chuẩn mực mới, tiên tiến trong lối sống, nếp sống văn hóa cộng đồng. Việc giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thị hiếu nghệ thuật cho thanh, thiếu niên, nhi đồng chưa được coi trọng đúng mức. Công tác phát triển hội viên, nhất là cây bút trẻ gặp nhiều khó khăn. Chưa có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực phục vụ sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật...
Tại Đại hội này, tôi đề nghị các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hội và phong trào văn học, nghệ thuật tỉnh nhà trong thời gian tới.
Thưa các quý vị đại biểu!
Thưa toàn thể Đại hội!

Sau hơn ba mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh trong nước cũng như thế giới đang có nhiều thay đổi. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, cùng với làn sóng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra cho chúng ta những cơ hội to lớn và cả những thách thức đan xen. Bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm các giá trị văn học, nghệ thuật mà cha ông từ ngàn đời đã bồi đắp, trao truyền lại là vinh dự và trách nhiệm. Trách nhiệm với quá khứ và trách nhiệm với cả tương lai.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 18 xác định mục tiêu: “Phát triển văn hóa, xây dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế”.
Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn coi trọng vai trò, vị trí của văn học, nghệ thuật và đánh giá cao những đóng góp của anh chị em văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Để công tác hội và phong trào văn học, nghệ thuật tiếp tục phát triển, có tác động sâu sắc, mang lại hiệu quả thiết thực; tôi thống nhất cao với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017-2022 đã được nêu trong Báo cáo chính trị trình tại Đại hội. Tôi xin nhấn mạnh, gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết nghị.
Thứ nhất, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc tới hội viên quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật và Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, trải nghiệm. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược phát triển của Hội, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn học, nghệ thuật, có giải pháp, bước đi cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.
Thứ hai, Hội cần làm tốt vai trò định hướng cho văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn, gắn bó với cuộc sống Nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tích cực tuyên truyền quảng bá cho các hoạt động và thành tựu của tỉnh về kinh tế - xã hội, về quốc phòng - an ninh, về quá trình xây dựng nông thôn mới cũng như các lĩnh vực đời sống xã hội khác; khuyến khích sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc trong xây dựng con người mới, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, tương xứng với tầm vóc một tỉnh giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, đang trên đà phát triển đi lên, góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh về đất và người xứ Thanh với những nét đẹp truyền thống, là điểm đến tin cậy, hấp dẫn của bạn bè gần xa. Cùng với đó, đấu tranh, phê phán những tiêu cực, cản trở sự phát triển của tỉnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại, xây dựng môi trường sống tốt đẹp, lành mạnh, đa dạng.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật; đổi mới công tác xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đảm bảo phong phú, đa dạng về nội dung đề tài, tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Chú trọng làm tốt ba khâu: sáng tác - công bố tác phẩm - phát hành; mở rộng các hình thức công bố tác phẩm, đưa tác phẩm đến với công chúng, nhất là trong trường học, các cơ quan, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh; phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đạt giải trong các cuộc thi quốc gia và khu vực. Nâng cao chất lượng các giải thưởng văn học, nghệ thuật của tỉnh, nhất là giải thưởng văn học, nghệ thuật Lê Thánh Tông, nghiên cứu giải thưởng Văn học - nghệ thuật 5 năm báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Đổi mới về hình thức, nâng cao chất lượng tin, bài Tạp chí Xứ Thanh, phát huy vai trò kênh thông tin, cầu nối giữa văn nghệ sỹ với bạn đọc để phục vụ tốt hơn, sâu rộng hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Thứ tư, chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư bảo tồn, xây dựng và phát triển; nghiên cứu phương thức huy động các nguồn lực cho hoạt động của Hội theo hướng đa dạng hóa và việc sử dụng nguồn lực một cách hợp lý, tạo cơ hội cho ra đời nhiều tác phẩm tốt; quan tâm đến đời sống, thu nhập của văn nghệ sỹ để tạo điều kiện và phát huy khả năng sáng tạo của văn nghệ sỹ.
Thứ năm, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức hội vững mạnh toàn diện, để Hội Văn học Nghệ thuật thực sự là mái nhà chung, là nơi tập hợp, động viên đội ngũ văn nghệ sỹ Thanh Hóa sáng tạo, nghiên cứu, phê bình. Tiếp tục làm tốt công tác phát triển hội viên mới, nâng cao chất lượng hội viên, chú trọng tập hợp hội viên tham gia sáng tác ở các chuyên ngành, lực lượng sáng tác ở các câu lạc bộ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ; thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sỹ trực tiếp sáng tác; khuyến khích, động viên đội ngũ sáng tác bám sát thực tiễn đời sống xã hội để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm nét văn học, phản ánh hơi thở của cuộc sống trong quá trình phát triển.
Thưa toàn thể Đại hội!
Văn học, nghệ thuật là công cụ để giáo dục con người những tư tưởng, tình cảm lành mạnh, cao quý; không chỉ là công cụ phản ánh đời sống hiện thực xã hội mà còn là phương tiện đấu tranh cách mạng đắc lực, công cụ tốt nhất để truyền bá cách mạng. Khi văn nghệ sỹ dùng ngòi bút của mình để chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội cũng là lúc đang thực thi vai trò của một người chiến sỹ cách mạng. Mặt trận không tiếng súng này không có máu, nhưng mồ hôi và nước mắt sẽ không lúc nào vơi cạn.
Để thực hiện thắng lợi sứ mệnh cao cả của mình, tôi mong đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, gắn mình hơn nữa với các tầng lớp nhân dân, tắm mình hơn nữa với thực tiễn đời sống xã hội, bằng ngọn lửa khát vọng và trái tim yêu thương, mang hết nhiệt huyết, tài năng, trí tuệ, để sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, đạo đức và nghệ thuật.
Nhân dịp này, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để Hội Văn học Nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thưa các quý vị đại biểu!
Thưa toàn thể Đại hội!

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội là bầu ra Ban Chấp hành khóa mới; tôi đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, sáng suốt lựa chọn những hội viên tiêu biểu cho trí tuệ, khát khao cống hiến, đủ tiêu chuẩn để bầu vào Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khóa IX. Đồng thời, bầu đoàn đại biểu của tỉnh đi dự Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ 10, gồm những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của văn nghệ sỹ Thanh Hóa.
Nhân ngày vui ý nghĩa này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành Trung ương, thời gian qua đã quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ, giúp đỡ Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa; rất mong các đồng chí tiếp tục quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện để công tác hội và phong trào văn học, nghệ thuật Thanh Hóa tiếp tục phát triển, thu được nhiều kết quả tích cực.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, thành công của Đại hội lần này sẽ tạo khí thế thi đua sôi nổi để Hội Văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển của quê hương, đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào trước năm 2030.
Trước thềm năm mới 2018 và chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Mậu Tuất, tôi chúc các vị đại biểu khách quý mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc anh chị em văn nghệ sỹ có thêm nhiều tác phẩm mới, làm cho vườn hoa văn học nghệ thuật xứ Thanh ngày càng tỏa hương khoe sắc. 
Xin trân trọng cảm ơn!
                                                                                                                          Đ.T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 74
 Hôm nay: 4897
 Tổng số truy cập: 9242087
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa