Sân khấu xứ Thanh, từ Đại hội đến Đại hội - NSƯT Ngọc Quyền
... Tình thương gửi vào những cái bắt tay thật chặt, tình yêu gửi trao vào ánh mắt nụ cười, những người nghệ sĩ sân khấu xứ Thanh cùng với anh chị em văn nghệ sĩ trí thức tỉnh nhà bước vào Đại hội lần thứ IX hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa... nhưng sâu thẳm trong ánh mắt người nghệ sĩ vẫn là những nét trầm tư, trăn trở về sân khấu xứ Thanh, từ Đại hội đến đại hội.
Điều dễ nhận thấy là sân khấu tỉnh ta đã bước vào thời kỳ phát triển có định hướng rõ ràng, khai thác được những đề tài nghiêm túc về lịch sử, về dân tộc, về xứ Thanh. Đã có một số vở diễn đề tài hiện đại tạo dấu ấn trong lòng khán giả như: “Hồn Trinh nữ”, “Tình sắc phục” (Kịch nói). “Vẹt”, “Tấm lòng vàng” (Chèo). “Miền đất hứa”, “Người con Thạch Thành ngày ấy” (Cải lương). “Núi rừng mở rộng vòng tay”, “Hai người Mẹ” (Tuồng)... Điều đáng mừng là phần lớn những vở diễn ấy đều do hội viên ta sáng tạo, đạo diễn và sáng tác âm nhạc. Công tác tuyên truyền (đơn đặt hàng) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong chương trình “Sân khấu chiều thứ 7” vẫn thường xuyên thu hút mọi người. Nhiều đề tài nóng bỏng từ miền núi, đồng bằng, miền biển, nhiều góc khuất của xã hội được thể hiện bằng ngòi bút sắc sảo và gương mặt diễn xuất tài năng của hội viên chúng ta trên truyền hình chuyển tải sâu rộng đến người xem. Chương trình “Sân khấu học đường” cũng được duy trì và hoạt động sôi nổi. Ngoài việc học trên giảng đường, người nghệ sĩ sân khấu đã góp phần thổi vào tâm hồn trẻ thơ triết lý “Chân, Thiện, Mỹ”, góp phần tạo dựng nhân cách người xứ Thanh mạnh mẽ, kiên trung, nghĩa tình từ lúc chập chững bước vào đời.
Các loại hình sân khấu truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương), không chỉ tồn tại, lưu dữ những “khuôn vàng, thước ngọc” qua các vở diễn “Sơn hậu”, “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Súy Vân giả dại”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Trống trận Ba Đình”, “Quân nghĩa Lam Sơn”... Mà còn năng động tìm ra được con đường phát triển đúng hướng phục vụ nhân dân, tăng thu nhập cho nghệ sĩ. Sân khấu kịch nói luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo để chuyển tải hơi thở thời đại đến mọi tầng lớp khán giả.
Sân khấu không chuyên lúc nào cũng sôi động và đa dạng về màu sắc tác phẩm. Khác với sân khấu chuyên nghiệp, sân khấu không chuyên đã viết thẳng, nói thẳng vào chuyện của từng người, từng nhà, từng làng xóm, cơ quan xí nghiệp... Và sức lan tỏa của nó bao giờ cũng rất rộng lớn, bởi nghệ sĩ biểu diễn lại chính là người trong cuộc. Phần lớn hội viên ta là thầy, là bà đỡ mẫn cán để phong trào sân khấu không chuyên phát triển rầm rộ. Tại các cuộc hội diễn của các cấp, các ngành trong tỉnh, nhiều tác phẩm, nhiều nghệ sĩ không chuyên dưới bàn tay nhào nặn của hội viên chúng ta đã được khán giả đánh giá sánh ngang tầm chuyên nghiệp. Ranh giới giữa sân khấu chuyên nghiệp và sân khấu không chuyên đang dần được thu hẹp.
Trong những năm qua tỉnh ta diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lớn: năm du lịch quốc gia 2015 Thanh Hóa, tuyên truyền chào mừng đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp... Lễ đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt khu di tích Lịch sử Đền Bà Triệu, Lễ đón bằng di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong, huyện Thạch Thành...
Cùng với văn nghệ sĩ trong tỉnh, các hội viên ban sân khấu đã có nhiều tác phẩm ở tất cả các chương trình lớn của tỉnh và nhiều lễ hội cấp thành phố, thị xã, cấp huyện... là tác giả kịch bản, tổng đạo diễn, sáng tác âm nhạc, tập luyện, sáng tạo các hình tượng anh hùng dân tộc, nêu cao khí phách quật cường của người Việt Nam, tuyên truyền ý thức tự tôn dân tộc, gắn với việc giữ vững biên giới, chủ quyền biển đảo. Vì vậy mỗi lễ hội đều có sắc thái riêng, không trùng lắp, được truyền hình trực tiếp, được dư luận công chúng đón nhận, ngợi khen..
Trong nhiệm kỳ qua chúng ta chúc mừng hai nghệ sĩ sân khấu được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân và ba nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
Phải khẳng định sân khấu xứ Thanh được phát triển theo hướng chuyên nghiệp, coi trọng chất lượng, chú ý nhiều đến đề tài nhân bản, bớt được nhiều hình tượng nhân vật khô cứng, gượng ép chủ nghĩa duy ý chí một chiều. Khuynh hướng thương mại hóa để chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận khán giả đã được đẩy lùi. Khán giả đến với sân khấu ngày một cải thiện. Các nghệ sĩ sân khấu hàng năm vẫn trèo đèo, lội suối về với vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoặc vươn xa tới các tỉnh bạn cả trong Nam, ngoài Bắc. Đây là sự chỉ đạo đúng đắn của các nhà quản lý nghệ thuật, sự năng động, sáng tạo của các nghệ sĩ sân khấu.
Tuy vậy nét dễ nhận thấy là sân khấu xứ Thanh chúng ta ít đề tài mới, ít tìm tòi sáng tạo nổi bật, ít vở diễn có tầm vóc và quy mô lớn đủ sức lôi kéo khán giả. Chưa có vở diễn có tư tưởng và nghệ thuật cao dự báo những vấn đề đặt ra trong công cuộc đổi mới, phản ánh hiện thực xã hội, đặc biệt là xây dựng hình tượng con người mới dũng cảm lên án cái ác, cái thấp hèn, tham nhũng, làm lũng đoạn xã hội và cuộc sống hiện tại.Việc tuyển dụng, đào tạo còn phụ thuộc vào cơ chế nên không thu hút được nhân tài cho sân khấu. Số nghệ sĩ trẻ tâm huyết với nghề nghiệp còn hạn chế, câu nói của người xưa: “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ” đối với nghệ sĩ trẻ bây giờ như đã bị lỗi thời. Nỗi lo về sự tồn vong của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt với sân khấu truyền thống là có thật, đang đặt ra cho người nghệ sĩ từng ngày, từng giờ phải trăn trở nghĩ suy.
Khó khăn trước mắt hãy còn nhiều, nhưng chắc chắn không làm nản lòng người nghệ sĩ, nản lòng những người yêu nghề, quý nghiệp. Sân khấu xứ Thanh sẽ từng ngày, từng giờ được thế hệ nghệ sĩ nối tiếp nhau thêu dệt nên gấm, nên hoa.
N.Q