Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Tiến tới Đại Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX   /   Văn xuôi Thanh Hóa, một chặng đường - NGUYỄN VĂN ĐỆ
Văn xuôi Thanh Hóa, một chặng đường - NGUYỄN VĂN ĐỆ

 

       Lại 5 năm nữa trôi qua, nhiệm kỳ VIII (2012-2017) chỉ còn thời gian tính tháng, những biến động xã hội đã kéo theo bao thăng trầm của văn học, nghệ thuật. Trong dòng chảy ấy, để nhìn lại một chặng đường của Văn xuôi, đã có rất nhiều thành công, đã có nhiều điều đáng mừng không chỉ nhờ nỗ lực và thành công của mỗi nhà văn mà còn là sự đoàn kết chung tay vì nền văn học chung của cả Ban Văn xuôi. Là những động lực mới để lại dấu ấn cho mốc thời gian 5 năm.
       Nếu ví Văn xuôi Thanh Hóa như một dòng sông thì năm năm qua, 2012 - 2017 khúc đã đến đoạn chảy xiết. Các nhà văn đã có một cái tên trên văn đàn cả nước như Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Cẩm Anh, Cẩm Hương liên tục cho ra mắt bạn đọc những tác phẩm chủ yếu của đời mình. Nhà văn Kiều Vượng, sau khi nhận giải Mê Công với tiểu thuyết Vùng trời thủng, ông đã cho xuất bản cuốn Bão không có gió. Đây là cuốn  tiểu thuyết du ký. Năm 2016, mặc dù phải chống chọi với bệnh tật, ông vẫn cho xuất bản tập ký Huyền thoại những dòng sông, tập ký ghi lại một chặng đường gian lao với bom đạn trên sông nước suốt một thời chiến tranh. Sức bền từ tuổi đời cũng như tuổi bút nhà văn Từ Nguyên Tĩnh sau tiểu thuyết Huyền thoại sông Thu Bồn, ông tập hợp một tập truyện ngắn đày đặn tới hơn 500 trang, năm 2017. Ở tuổi 70 nhà văn Từ Nguyên Tĩnh vẫn mê mải với con đường sáng tác của mình, một quá trình lao động hay say đáng để cho thế hệ nhà văn trẻ học tập, truyện ngắn của ông không những xuất hiện đều đặn trên các báo và tạp chí văn nghệ uy tín trong và ngoài tỉnh, mà những lần sách hoặc tiểu thuyết của ông ra đời luôn được nhận nhiều lời khen của đồng nghiệp và bạn đọc. Nhà văn Cẩm Anh, sau một giải thưởng kịch bản văn học cho điện ảnh (kịch bản được Hội văn học thiểu số trao tặng tại UBTQ về VHNT, ngoài ra còn là nhà văn đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh năm 2016). Nhà văn Cẩm Hương với tập truyện ngắn Những người đàn bàSóng Lừng cho thấy một cây bút nữ rất sung sức và giàu tâm sự. Cùng với những cây bút đã thành danh, các nhà văn lớp sau như Trịnh Tuyên với tập truyện Những mảnh ghép cuộc sống cho thấy sự sáng tạo mới mẻ đang được khai phá ở một nhà văn đang ở độ chín tới. Bên cạnh đó càng trẻ trung, tràn trề sức viết, một cây bút sẵn có từ tâm thức học được ở trường viết văn Nguyễn Du, vật vã với đời sống và tâm thế của người cầm bút, Ngân Hằng đã xuất bản cuốn Chuông chùa đồng vọng với những nỗi day dứt về thân phận ở mỗi con người, mỗi số phận cô đơn đến da diết... Các nhà văn Viên Lan Anh trong một chặng đường đã có tập Chuột Vu Quy; Lê Thiện Trác một nhà văn cao tuổi sau khi xuất bản tiểu thuyết Chuyện nhà Thông và ông đã tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết mới Thương nhớ ngày xưa. Trịnh Xuân Đảng năm qua ra đời tiểu Thuyết Di sản không thừa kế và ông đã hoàn thành xong tiểu thuyết mới có tên Quả đắng cuối đời. Trọng Nghĩa với tập Con thuyền thuở trước; Nhà văn cũng chuẩn bị có tiểu thuyết bề thế sẽ trình làng năm 2017. Nhà văn Hoàng Trọng Cường dù bận rộn trên cương vị Tổng Biên tập tạp chí Xứ Thanh vẫn sáng tác đều đặn và vừa tập hợp tập truyện ngắn mang tên Truyện ngắn Hoàng Trọng Cường. Các nhà văn Lê Giang Ky với tập truyện ngắn đầu tay Điều phải nói vừa hồn nhiên vừa tươi tắn đã đoạt giải B giải Lê Thánh Tông năm 2015, Lê Xuân Giang, Đức Ánh, Đào Hữu Phương, Bùi Hữu Thược, Phạm Văn Liệu, Lê Vạn Quỳnh, Nguyễn Trung Thực, Lê Huy Quân, Xuân Lộc, Hoàng Hùng, Nguyễn Bá Doanh, Nguyễn Hải đều có những tác phẩm truyện ngắn, ký đóng góp trên diễn đàn văn học của tỉnh nhà và cả nước.
       Bên cạnh đó nhằm thúc đẩy sự phát triển và tạo điều kiện cho anh chị em trong Ban có nhiều cơ hội xuống các địa phương tìm hiểu, bám sát đời sống xã hội và nhân dân lao động, Ban đã chủ động liên tục tổ chức những chuyến đi thực tế ở các vùng trọng điểm của xứ Thanh, đặc biệt là những vùng nông thôn mới đang nổi trội. Đó là chuyến đi về các xã của hai huyện Nông Cống và Triệu Sơn trong cuộc thi viết về nông thôn mới trên báo Thanh Hóa. Và cuộc thi đã trao cho các ban viên Ban văn đến 5 giải. Đó là chuyến đi kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng của các ban viên ở huyện Như Thanh. Mỗi lần gặp gỡ là một cuộc hội ngộ đầy thú vị và hào hứng của hội viên Ban Văn xuôi Hội VHNT Thanh Hóa, bởi đây không phải là cuộc hội ngộ thúc đẩy sự gắn kết, sự san sẻ cả mỗi người mà còn là dịp để giao lưu học học, trao đổi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm viết của cá nhân. Từ đó hàng loạt tác phẩm hay, ý nghĩa và thiết thực dành được giải cao ở các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Nhiệm kỳ qua Ban cũng đã xuất bản được ba cuốn sách, được nhiều độc giả khen ngợi, đó là tuyển tập truyện ngắn Dòng thời gian;  tập bài viết về Như Thanh trong lòng bè bạn, và tuyển tập truyện ngắn Người xứ Thanh có sự góp mặt gần như đông đủ của các hội viên của Ban nhân chào mừng Đại hội Hội VHNT Thanh Hóa lần thứ IX sắp tới.
       Chính vì có một lực lượng sáng tác dầy dặn cả về kinh nghiệm sống và viết, 5 năm qua Văn xuôi Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực hết mình để khẳng định là “xương sống” của VHNT Thanh Hóa. Những giải thưởng cao của ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam của các tác giả như Viên Lan Anh, Ngân Hằng… hay trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam của nhà văn Hoàng Trọng Cường, đặc biệt giải thưởng Nhà nước cao quý của nhà văn Kiều Vượng vừa được vinh danh vừa qua, rồi rất nhiều, rất nhiều cá nhân, giải thưởng khác từ địa phương đến Trung ương luôn là niềm tự hào, khích lệ cho Ban Văn xuôi không ngừng khẳng định mình và cố gắng phát triển hơn nữa.
       Trong khoảng thời gian 5 năm, một nhiệm kỳ, hầu như năm nào các cây bút của Ban Văn xuôi Thanh Hóa đã gắn bó hơn với đời sống thực tế qua các thể dạng viết như bút ký, phóng sự phục vụ nhiệm vụ chính trị của Tỉnh. Nói chung các nhà văn Thanh Hóa luôn có ý thức thường trực cho sáng tác, luôn tạo cho mình cảm hứng làm nên những tác phẩm có chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay bạn đọc vẫn chờ đợi các nhà văn cần có những tác phẩm đỉnh cao.
       Tác phẩm đỉnh cao là một khát vọng đối với người cầm bút. Tôi cho rằng nhiều nhà văn Thanh Hóa trong những năm gần đây tuy không chạy theo lối thương mại hóa văn học, nhưng một số nhà văn đã đưa ra những tác phẩm ở dạng ứng dụng. Thời buổi đổi mới có làm cho nhiều giá trị ở một số lĩnh vực bị đảo lộn, nhưng văn chương thì không thể. Những tác phẩm văn học có giá trị cao sẽ được thời gian khẳng định nó, thời gian cũng không cho phép tác giả bao biện.  Hiện nay có một số tác giả Thanh Hóa dùng tác phẩm của mình như một sự thể hiện hàm ý tầm thường của mình. Họ cho ra mắt những tác phẩm mà những nhân vật gần như để ám chỉ ai đó đã làm họ ấm ức trong cuộc đời? Thiết nghĩ không nên... Văn học có đẳng cấp, và thứ văn học ám chỉ nó thật sự tầm thường. Nhà văn cần phải nhìn thế giới từ trên cao và vào sâu tận đáy cuộc sống. Văn chương có giá trị riêng của mình, đó là giá trị hướng con người về những điều đẹp đẽ, về ánh sáng trong chính những mất mát, khổ đau thậm chí là ở mặt đen tối nhất. Nhà văn bao giờ cũng phải có chính kiến trước thế sự, nó như là một sứ mạng. Nhưng điều đáng buồn và đáng trách hơn, nếu người làm sáng tạo văn học lại dùng ngòi bút của mình để nhằm thỏa mãn cái tôi cá nhân, để nhằm sáng tạo ra những tác phẩm ám chỉ. Sự cao ngạo, ngộ nhận đến một lúc nào đó sẽ làm văn chương rời xa cuộc sống, rời xa sứ mệnh là thư ký trung thành của thời đại. Từ xưa tới nay, những nhà văn có tư tưởng không làm thế bao giờ. Trong cuộc hội nghị các nhà văn trẻ Việt Nam, có người phát biểu rằng: Nhà văn là bản sao của Chúa Giê Su và Đức Thánh Thích Ca. Thật đúng, chính vì thế các nhà văn lớn trên thế giới mới sáng tạo ra những nhân vật điển hình như Giăng Văn Giăng, Đôn ky Hô tê, A Quy, Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ, v.v… Thời đại nào cũng có những nhân vật điển hình được các nhà văn khái quát để sáng tạo. Khái quát và sáng tạo là tâm thức và tâm thế day dứt thường trực trong mỗi người cầm bút.
                                                                                                             Tháng 4-2017              
                                                                                                                  N.V.Đ


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 307
 Hôm nay: 3189
 Tổng số truy cập: 9245356
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa