Con đường đất đỏ trước nhà. Mùa nắng - bụi cuốn mù mịt và mùa mưa - giữ những bước chân, vài chiếc xe đạp bị đất bám, có khi phải chọt cả buổi mới xong. Đi học trời mưa trơn như đổ mỡ, lũ bạn hùa nhau, cứ mỗi đứa ngã, cả lũ cười khoan khoái, hết đứa này đến đứa kia, thi nhau cười. Và lần lượt cười nhau. Chúng tôi bảo, bao giờ quê mình hết khổ.
Đi họp hội lính về, bố thông báo con đường trước nhà sắp được làm. Một ông người Anh sang đầu tư làm nhà máy đường, đầu tư luôn cả con đường này. Ban đầu chỉ là tin đồn nhưng vài tháng sau có chỉ thị thật. Thế là những mảnh đất quanh năm trồng khoai, ngô xen lẫn nay được quy hoạch trồng mía tất. Sẽ có một ngày quê mình giàu hơn. Chưa biết bao giờ nhưng vẫn tin như vậy. Và mấy tháng sau, xe ầm ì suốt đêm, làm như sợ không kịp thời gian. Lũ trẻ thích chí kêu lên: “Từ nay đi học đỡ khổ rồi”. Cũng phải thôi, mười lăm cây số để vào học cấp ba, đạp con đường đất đỏ bazan, thích thú nỗi gì.
Nhiều gia đình có đường đi qua, được đền bù làm nhà mới. Với số tiền đền bù, họ có thể làm được ba cái nhà như cũ.
Thằng út nằm gác chân lên tường, những nham nhở của đinh cùng với màu bồ hóng nấu ăn mùa mưa làm cho bức tường đen xỉn. Phía trước đủ thứ tin nhắn được chép lên, đứng từ xa nhìn vào. Nào là “chị Mai chiều ra xã làm lại hộ khẩu”. “Phải chia đôi khu đất ấy thì mới giải quyết cho chị - Địa chính xã thông báo”. “Tao đến thăm nhưng mày không có nhà”. “Con Nhi tuần sau cưới chồng, đóng mỗi đứa mười nghìn mua quà cưới...”. Đầy những màu đen. Mỗi lần có ai đến tìm không gặp chủ nhà, lời nhắn là mấy viên than viết vội, có khi chẳng biết để làm gì. Vì quá cũ nên cả bố lẫn mẹ chẳng có ý định quét vôi lại. Đi ngoài đường nhìn vào như một mớ hổ lốn, lộn xà lộn xộn, ngứa mắt không chịu được. Sau khi mở đường, cán bộ xã có vào bảo cố xây lại nhà cho đẹp dọc mặt đường, bố dương dương tự đắc: “Con cả bầy, lo cho chúng học chả xong, nhà cửa làm gì!”. Nói là nói vậy chứ muốn xây nhà tiền đâu. Làm sao bằng người ta được. Mang tiếng là nhà nằm cạnh đường lớn nhưng mùa mưa đến, ngồi chỗ nào nước cũng rơi xuống, mẹ căng vội tấm bạt lên phía giường, mưa đến mấy mẹ con ngồi ở đó. Thi thoảng mấy cái chậu hứng nước đầy. Chị Hai hoặc anh Ba thay phiên nhau đổ. Cũng không vấn đề gì cả. Mười mấy năm còn chịu được, nay quy hoạch đòi làm nhà. Người ta có đường chạy qua, phá nhà thì được đền bù. Nhà tôi chỉ mất chục gốc cau, gần trăm mét đất, đền cho lô đất phía sau nghĩa địa, cau được đền mười ngàn một gốc, thế là được rồi. Chả để làm gì với hơn trăm bạc dù mùa đói nó cũng mua được mấy yến gạo chứ không đùa.
- Sao đường không qua nhà mình để được đền mà xây nhà mới mẹ nhỉ? - Thằng út cau có nói trong lúc mẹ vẫn say sưa sàng gạo.
- Đường mười mét chứ có phải một trăm mét đâu con - Mẹ vừa nói vừa luôn tay xoay cái dần.
- Chán ông bà nội quá. Nếu ngày xưa xây nhà ra một tí có phải hay không - Thằng út lại tỉ tê.
- Khôn thế khi nào cho chết hả cu - Tôi nói nhanh rồi vào buồng tìm túi bóng cho mẹ đổ gạo.
Mẹ mỉm cười nhìn mấy anh em đấu nhau. Bố ra bảo: “Hay bán nửa đất đồi xây cái nhà mẹ hỉ?”. Mẹ nhăn mặt cãi: “Bán để cả nhà nhìn nhau à? Ông quên nhà ta có ba thằng con trai và thằng nào cũng phải có phần. Cái vườn này được mấy đâu”. Bố không nói gì nữa. Thằng út lanh chanh, ngồi dậy bảo: “Không. Con có tướng làm giám đốc. Chị Hai thì chắc cũng lấy chồng không ở vườn đồi đâu. Anh Ba và anh Tư thì cũng kiếm đường mà chạy chứ ở cái đất khỉ ho cò gáy này làm gì, toàn đá răng ngựa, hôm nào quên đôi dép ở nhà, đuổi theo mấy con trâu là mặt méo xệch”. Gớm. Dạo này thằng út ăn phải bả hay sao mà ăn nói cũng tanh tưởi phết. Mới lớp bảy mà cứ như ông cụ non ấy. Mỗi lần chị Hai hay anh Ba sai nó cái gì, y như rằng nó cãi nhem nhẻm. Mắng thì nó cười hì hì: “Nhìn tướng thì biết sau này các anh chị đến xin em tất. Giờ đừng có mà bắt nạt kẻo sau này mang rá sang vay gạo em cho người nhà ra đuổi từ cổng đấy!”. Nếu cứ để mấy đứa cãi nhau, ba chị em lớn không bao giờ thắng thằng út. Bố luôn tự hào về nó, nói gì cũng cãi được.
Đường làm xong. Xóm tự nhiên thành mặt đường. Mía tất cả các vùng quanh đó nếu lên nhà máy đường đều phải kinh qua con đường này. Mấy nhà hàng xóm đua nhau xây nhà, nhà lớn nhất bốn tầng, nhỏ cũng nhà Thái, nhà nào nhà nấy, đẹp và sang trọng, tự nhiên đụng phải nhà tôi, mục nát, xiêu vẹo. Mấy tay cán bộ bảo xây cho đẹp, xây để còn gọi là phố, mọi người trong nhà nhìn nhau lắc đầu, thì cũng phải có tiền chứ. Mẹ bảo bao giờ bốn chị em học xong nếu có điều kiện sẽ dồn xây nhà năm mười tầng luôn. Mấy vị cán bộ nhìn nhau lắc đầu, lúc đó thì nói làm quái gì nữa. Qua vài khóa bầu cái ghế đã nằm dưới mông thằng khác.
Thực ra họ muốn quy hoạch và dọc con đường lớn nhà nào cũng đẹp để còn khoe mẽ khi đi huyện, đi tỉnh họp. Nhưng khốn nỗi, không có tiền lấy chi mà xây.
Chiều hai bảy tết. Ba bố con lóc cóc qua sông. Lẽ ra chỉ cần bố và anh Ba đi là được. Nhưng sáng hôm sau tôi phải mang mấy con gà rừng về cho mẹ đi chợ. Bố có biệt tài bẫy gà rừng. Tết nào cũng bẫy được nhiều lắm. Có năm kỷ lục còn bẫy được mười lăm con. Mẹ mang mớ gà ra chợ, mắt cười không thấy ai.
Ra đến sông. Người đã về từ lâu. Ba bố con nhìn nhau chờ đợi. Bố bơi giỏi nhưng hay bị chuột rút. Anh Ba thì đang bị cúm. Cuối cùng tôi phải nhảy xuống sông để qua bên kia lấy đò. Vừa nhảy ùm xuống nước. Bố bảo: “Lên ngay. Năm hết tết đến rồi. Trời mập mờ tối, một mình con bơi thì không được. Chờ một lúc xem có ai qua không?”. Tôi mò lên, run cầm cập. Bỗng đâu tiếng con Lu sủa ăng ẳng từ trên dốc. Anh Ba bảo: “Tối nay khốn nạn rồi. Thể nào cũng đi tìm nó cả đêm. Năm hết tết đến, mất chó thì khổ lắm”. Thì ra con Lu theo mấy bố con sang sông, nhưng sợ bị mắng nên đứng mãi trên dốc và không dám xuống. Khi thấy có việc cần, biết thể nào chủ cũng bỏ qua lỗi nhỏ ấy, vội lên tiếng. Rồi anh Ba kêu: “Lu. Mày xuống bơi với anh Tí kìa!”. Nghe tiếng chủ. Nó lao nhanh và nhảy ùm xuống nước. Tôi cũng nhảy theo. Thế là cả chủ và chó cùng bơi. Nhà tôi vẫn có thói quen xưng anh chị với chó. Con Lu là con chó nuôi lâu nhất trong nhà. Nó khôn và ranh lắm, chẳng cắn ai bao giờ cũng rất ít khi sủa, chỉ khi nào có ai vào lán mượn đồ, không xin phép chủ thì có khả năng nó sẽ cắn nát chân.
Sang đến bờ. Mò lên thuyền nhưng chẳng thấy que chèo đâu. í ới gọi sang. Bố bảo hay lấy tạm miếng gỗ chèo vậy. Tôi vâng dạ rồi chạy đi, chạy lại. Kiếm được tấm ván độ hơn một mét, quạt nước qua sông. Sang đến nơi. Bố khen: “Dạo này Tí khá hơn anh”. Anh Ba nhấm nhẳng: “Có người yêu rồi chả hơn”. Tôi quay sang bố, mơ hồ cãi: “Con cứ noi gương bố, phải trên dưới bốn chục thôi”. “Cũng được. Con hơn cha là nhà có phúc”. Mấy bố con cười. Lại cầm ván quạt nước qua sông. Tôi mặc quần áo vào, run như cầy sấy. Con Lu đứng đầu mũi thuyền giũ lông, thi thoảng có tiếng chẫu chuộc kêu, nó vổng lên mấy tiếng rồi im bặt. Thuyền chạm bờ, nó nhảy lên êm ru. Bố bảo nếu con Lu mà sống trong một gia đình giàu có, khôn như nó sẽ trở thành một hoàng tử chứ chẳng chơi. Mấy bố con lại cười, vừa đi vừa trò chuyện về con đường mới. Bố vẫn khoái một ngôi nhà lớn hơn nhưng tiếc là không có điều kiện. Anh Ba bảo vốn gửi chị Hai (ý bảo chị Hai đi học đại học sau còn nhờ cậy tuổi già) sau này lấy lại dùng đâu có muộn. Bố lắc đầu: “Nuôi cho nó kiếm cái nghề còn có đứa lấy”. Có lẽ thế, con bố đứa nào cũng phải có cái nghề, để đỡ phải cái cảnh: “Con trâu đi trước, cái cày theo sau, còn người đi sau nốt”. Anh Ba vẫn tiếc vì không ngờ tài năng và đẹp trai như bố, từng làm tướng trong quân ngũ lại chịu cảnh về làm dân cày. Bố bảo âu cũng là cái số. Nếu chú Nam (kề bố) không đi tù vì tội ăn trộm, bố không ra khỏi Đảng, biết đâu cuộc đời giờ đổi khác.
Mai này làng lên phố. Bố cũng hy vọng các con sẽ khá lên nhờ nó.
Sang đến lán trời tối om. “Việc đầu tiên là đi thăm bẫy” - Tôi nói. Bố chỉnh ngay rằng phải đi dong trâu xuống chuồng. Nó đứng cả buổi trên đồi, không khéo quấn dây khắp thân rồi. Anh Ba có nhiệm vụ nhóm bếp nấu cho bố ấm nước chè và tôi thì đưa trâu xuống. Tôi ấm ức không muốn đi. Như vậy bố đang thiên vị anh Ba, nhưng nghĩ cho cùng bởi anh đang cúm. Bố bao giờ cũng lo cho con trâu đầu tiên. Không hiểu vì sao cái con người hùm hổ thế kia, mỗi lần đi làm đồng, cả làng đều biết. Bố quát tháo ầm ĩ. Mỗi lần bừa, bố tìm mấy tảng đất khô bỏ lên, bố không bao giờ đứng lên bừa cả, bố lí luận rằng bùn sục, nước lớn, kéo mỗi bừa đã nặng, lại thêm một người nữa nó đi thế quái nào được. Bố thương con trâu nên mỗi khi có ai mượn trâu đi làm ruộng đều hỏi: “Mượn cày hay bừa?”. Nếu bảo cày bố cho mượn cả ngày nhưng nói bừa là thôi. “Mấy nhà ấy mà bừa cả buổi, ruộng nhiều, làm một buổi nên thân, đứng lên nữa còn gì là trâu. Khoẻ mấy cũng có chừng mực chứ”.
Sau các tiết mục đến lượt đi thăm bẫy gà. Khoản này tôi khoái lắm. Chẳng gì thì cũng được xem những con gà đang giẫy đạp tìm chỗ thoát thân. Nhưng làm sao được. Đã mắc vào bẫy thì đừng hòng mà thoát dù cái que chỉ bằng nửa chiếc đũa và thêm đoạn dây dù. Con gà đầu tiên mắc ở chân. Vừa nhìn thấy ánh sáng, nó hùng hục đạp nhưng tôi đã chạy lại tháo ra, nâng ngay vào lồng. Bố bảo muốn gà rừng được giá, khi làm bẫy làm sao để nó chỉ mắc ở chân thôi. Nhiều người làm bẫy, gà vừa mắc đã chết bởi toàn trúng cổ. Tất cả gà bố bẫy, bao giờ cũng dính chân, không thương tật nên luôn được các chủ hàng săn đón nồng nhiệt.
- Hôm nay ở đây nhưng ngày mai đã ra chợ, ngày kia có thể sẽ nằm trên một dãy phố nào rồi.
- Người còn thế nữa là gà - Anh Ba hồn nhiên.
Bố thì khác. Từ ngày ra quân và về quê lấy vợ, chưa một lần được ra phố. Cũng thèm một lần đi nơi nọ nơi kia, gặp những người bạn chiến đấu cũ, ôn lại chút kỷ niệm rồi đi xa cũng thanh thản. Hàng năm hội lính vẫn thường tổ chức gặp mặt nhưng bố bận đủ việc nên có năm đi được, năm không. Bố bảo năm sau đường làm hoàn chỉnh, mời hội lính qua lán chơi, bố sẽ bẫy thật nhiều gà để mọi người cùng thưởng thức. Và ôn lại chuyện chiến trường.
Bố vẫn hay kể chuyện hồi còn ở Lào. Mấy mụ dân tộc trông khù khờ nhưng khôn lắm. Thấy bộ đội mang gạo hay muối vào bản, chạy theo cả đoạn đường dài, miệng hỏi luôn: “Bộ đội mang vào cho già à?”. Điệu bộ khoái lắm. Lúc đấy nói gì cũng ừ tất nhưng nếu bảo cho bộ đội con gà về nấu cháo cho anh em, lắc đầu nguầy nguậy bảo “bộ đội nói chi già không hiểu”. Chuyện như đùa ấy. Tôi và anh Ba vẫn cãi đấy là do bố kể cho vui, sau này gặp mấy bác trong hội lính qua chơi, ai cũng bảo điều đó là thật.
Sáng hôm sau, tôi mang gần chục con gà về cho mẹ đi chợ. Mấy bà thợ gà đã chờ sẵn ở đấy, vừa thấy gà rừng là tranh nhau. Vừa hay ông chủ tịch xã đi qua, nhìn cảnh ấy liền dừng xe máy lại, phân tích cặn kẽ: “Này, trước còn trong làng muốn tranh giành gì cũng được, nay ra mặt đường, bao nhiêu quan khách đi qua, làm thế đẹp cho cả làng hỉ?” - Mấy bà như hiểu ý, chậm chạp chỉ trỏ mấy con gà. Bác chủ tịch nhìn lũ gà trên tay mẹ, mắt sáng loáng, ý chừng muốn xin đôi chân, mẹ khoan khoái khi có quan phụ mẫu xin nhưng thằng út chạy ù từ trong nhà ra, nhìn bác chủ tịch nói to: “Chủ tịch xã nào cũng thế, chỉ thích xin mấy chân gà. Bố bảo chân gà bổ, để ngâm rượu làm thuốc”. Bác chủ tịch nghi ngại, dặn mẹ nếu lần sau chưa bán cho ai thì để cho con cộc (trống) để kiếm đôi chân. Nói rồi lên xe phóng thẳng. Mẹ trừng mắt nhìn thằng út. Nó nhẩn nhơ: “Thì cũng phải nói chứ. Bố đi bẫy cả đêm mẹ không thấy cực à? Ông ấy là gì mà xin chân gà. Nói xin cả con cho nhanh lại còn lắm điều”. Mấy bà buôn gà nhìn nhau khen: “Thằng bé khôn đáo để”. Mẹ không thích. Trẻ con mà hay hóng chuyện người lớn.
- Mày trẻ con biết gì?
Thằng út cau mặt đi vào. Hai anh em ngồi ở đầu giường vừa kể chuyện vừa cười. Thực ra nó sẽ không dám nói nếu tôi và chị Hai không cổ vũ. Chị Hai vừa lau lá dong, vừa tít mắt cười bảo: “Mấy ông quan phụ mẫu, ông nào chả thích xin của dân. Mà dân mình cũng dại cơ. Cứ thấy xin là khoái, tưởng được quan tâm”.
Tôi thấy chị Hai nói cũng đúng. Điều đó là dĩ nhiên. Chẳng biết xã khác có vậy không. Hay chỉ mỗi xã tôi, luôn tiện cả làng nằm trên mặt đường, ông muốn biến cái xã nghèo kiết xác ấy thành thủ phủ của huyện này chắc nhưng bản tính nông thôn, mãi không bỏ được.
Đường làm được quá nửa. Theo các bác địa chính thì năm sau sẽ xong. Tết này được một đoạn đường nhựa rồi. Đỡ lầy lội phần nào hay phần ấy.
Mấy ngày tết qua nhanh trong bận rộn. Bố không về nhà được đêm nào. Hôm nào cũng chỉ về ban ngày một lúc rồi vội sang. Tại trâu bò bên đó không ai thả, nếu mình ở nhà no thì nó lại đói. Mấy anh em tôi tung tẩy khắp nơi. Chị Hai phải ở nhà chuẩn bị cơm nước. Mấy bức tường hàng xóm sơn trắng tinh, nhìn tường nhà mình phát ngán. Hết xã đến xóm khuyên nên quét vôi. Mẹ càu nhàu: “Nhà nát bét quét cái con khỉ”. Cả nhà hưởng ứng. Vậy là một dãy dài những ngôi nhà mới mọc, đẹp lộng lẫy nhưng nhà tôi như cái lồng chim, xiêu vẹo, chênh vênh với mọi nhà. Bố bảo trông thế lại hay, ấn tượng. Thực ra ban đầu bố mẹ cũng định quét nhưng khi thấy mấy ông kia xuống nói, lại khó chịu cái kiểu lúc nào cũng muốn dân cố để lên phố.
Mọi người bảo nhà ra mặt đường thì cũng phải làm sao cho xứng tầm mặt đường. Thế là thi nhau mua xe máy. Đường làm nửa vời, phố nửa vời, quê chẳng ra quê, phố chẳng ra phố. Mấy hôm tết, bọn nhóc đua nhau phi xe, tai nạn đầy đường. Thằng Toán bạn tôi khoan khoái leo lên cái xe Wave tàu, phóng như thiêu thân và lao như mũi tên xuống bãi mía cạnh trường học. Tưởng “thăng” luôn hôm mồng một tết. Mẹ nó kêu khổ, xe mua chưa kịp đăng ký, tám mũi khâu trên trán là kết quả tất yếu của buổi tập. Cả lũ sau này mỗi lần gặp nhau, vẫn nhắc đến cái kỷ niệm ấy với tám mũi khâu điêu luyện thành một vệt dài trên trán.
*
Năm sau đường làm xong. Cái ý định mời hội lính qua lán ăn thịt gà rừng của bố mãi không thành hiện thực. Khi đường vừa hoàn thành cũng là lúc bố đổ bệnh. Tôi nhớ hôm ấy trời mưa. Bố ngồi uống nước chè ở bếp, trên lò, nồi sắn luộc dở. Bên kia là bác hàng xóm mê nước chè. Hai người vừa uống nước vừa nói chuyện, những chuyện không đâu vào đâu, nào những dự định sẽ làm. Nhìn ra đường lớn. Bố bảo: “Vậy mà làng mình cũng sắp thành phố, không biết mình sẽ được hưởng phố đến bao giờ”. Rồi bố kêu đau bên hông. Bác hàng xóm sờ vào hông bố, bảo: “Hình như chú bị gan rồi”. Tôi vẫn nhớ lúc đó đôi mắt bố dại đi. Một đồng đội trong hội lính của bố bị ung thư gan chết chưa đầy năm mươi ngày. Bố hơi choáng, cứ nghe đến gan là lo. Bố ngồi im một lúc lâu, không lên tiếng, không trả lời bác hàng xóm khi bác chào ra về. Bát nước chè nguội từ lâu, nồi sắn trên lò bắt đầu dậy mùi. Thằng út hỏi: “Con lấy sắn cho bố nhé!” - Bố không nói gì cả, hàng nước mắt trào xuống, ngước nhìn thằng út - nó quá bé để hiểu lúc đó vì sao bố khóc. Trước sau nó vẫn chỉ là một đứa trẻ lắm điều và thích cãi lí với người khác. Tôi để ý đến từng cử chỉ của bố, chỉ nghe bố lẩm bẩm: “Phố ư? Bao giờ? Không lẽ nào!”. Hôm sau bố được anh Ba đưa lên viện khám. ở huyện người ta giới thiệu xuống tỉnh, sau một hồi khám xét các bác sỹ kết luận: “Chưa có kết quả cụ thể” - Rồi cho giấy giới thiệu ra bệnh viện K. Mới hơn hai tháng không gặp bố mà trông người già đi, chị chạy lại, cùng mẹ dìu bố lên xe. Đôi mắt bố bạc phếch, nhìn xa xăm bảo chị: “Chắc bố không qua khỏi đâu” - Chị Hai mắt ướt nhòe nhưng cố tình cãi: “Ai bảo thế? Con xem tử vi bố sống đến bẩy, tám mươi tuổi kia mà. Năm nay mới năm tám. Hai mươi năm nữa cơ. Bố yên tâm đi”. Bố lắc đầu: “Lần này là đi thật. Bệnh bố bố biết”.
Và sau khi xét nghiệm hóa chất, bác sỹ bảo: “Nên đưa bố về quê và chữa thuốc Nam”. Mẹ và chị Hai nhìn nhau chợt hiểu, bệnh không thể cứu vãn nữa rồi. Về nhà đi khắp nơi lấy thuốc, thi thoảng cơn đau vật vã nhưng có thằng út bên cạnh, nó lại tỉ tê: “Bố khỏe, hai bố con vật tay coi ai thắng”. Bố gật đầu: “Con thắng rồi, bố lại phải đi chăn trâu nhỉ?”. Thằng út nhanh nhảu: “Bình thường là đi chăn trâu đấy, nhưng lần này vật tay có thua con cũng không bắt bố đi chăn trâu đâu, bố thua con vẫn sẽ đi” - Rồi nó khóc. Bố ôm đầu nó, xoa xoa an ủi: “Sắp khỏe rồi, con phải giữ lời hứa đấy” - Thằng út gật đầu rồi lắc nói: “Mấy người kia bảo bố khó qua lắm, con không biết đâu”. Nửa tháng sau bố mất, nhanh đến không ngờ.
Cái ước muốn tổ chức hội lính qua thăm lán và ăn thịt gà rừng không thực hiện được. Tôi nhớ lúc hấp hối bố gọi mãi tên những người đồng đội cùng hội lính đang ở xa. Nào Luân ơi, Toàn ơi, Võ ơi... rồi phố ơi! Tất cả những cái tên bố có thể nhớ. Lúc đó trời đổ mấy hạt mưa. Bố bảo mưa để rửa bụi đường bố đi mới thanh thản. Trước lúc đi, bố cầm tay thằng út mãi. Thằng út là niềm tự hào của bố, cái thằng có thể cãi bất cứ người nào mà khó ai thắng nổi nó. Cái thằng mỗi lần qua sông gặp hôm trời mưa, nó lười đi chăn trâu đều gạ bố vật tay, ai thua thì đi chăn trâu, bố đồng ý và lần nào cũng thua, cứ thế mấy lần phục thù đều thua nó và bắt buộc phải đi chăn trâu, nó nghiễm nhiên trùm chăn ngủ. Đến bữa nấu ăn, lại tỉ tê vật nữa với hy vọng bố thua nhưng lúc nào bố cũng xuống muộn, vậy nên phải dậy nhóm lò.
Cái bếp lò bố đắp gần chục năm, nấu một lúc hai nồi, nhanh hơn cả bếp ga, chỉ có điều khi nhóm hơi lâu. Bố luôn là người tiên phong trong tất cả mọi thứ. Ví như cái hồi làng còn trồng lạc. Cứ đến mùa mọi người hỳ hục bóc từng củ. Bố kê hai cái ghế vào nhau, để một khe hở, bỏ cái bao tải bên dưới, chập từng nào tùa vào đấy, xong đứng dậy sàng lấy nhân. Có đêm làm được mấy yến lạc nhân, mình bố vẫn cắm cúi làm. Sau này mọi người thấy nhanh cũng làm theo, trào lưu “chập” lạc có từ đó. Rồi đến lượt đi tìm cỏ sữa về trồng, để bây giờ khắp làng ai cũng có một vài sào cỏ sữa nuôi bò khi thiếu cỏ. Tất cả những điều đó giờ đều thành phù du hết cả. Tôi không cần gì nữa. Mỗi lần nhìn cái bếp lò hay làng vào mùa trồng lạc, tôi lại nhớ bố. Mẹ còn kể cái hồi mẹ sinh thằng út, bố cắt chè đi chợ. Người ta trả rẻ quá bố không bán, đến trưa ế hàng, bố mang đi cho. Mẹ hỏi rẻ không bán sao cho? Bố cười khoan khoái: “Để hôm sau thấy mình bán lại họ mua cho”. Và từ hôm ấy, sau này hễ thấy bố người ta đổ xô đến mua bất kể khi nào. Mẹ bảo chỉ có bố mới làm như vậy. Tôi tin điều đó.
*
Mấy năm đã trôi qua. Quê tôi giờ đã khác. Mọi người bảo giờ thành phố - nhưng vẫn nửa mùa nên thằng út gọi là “phố núi”. Ngày kia giỗ bố. Anh Ba đang ở Vũng Tàu, chị Hai lấy chồng tận Tây Ninh. Đều bảo về nhưng chắc muộn. Tôi tranh thủ về sớm để đi bẫy gà với thằng út. Vừa về đến nhà, thằng út khoe mấy hôm trước bẫy được một con trống hơn cân, mẹ bảo bán nhưng nó không cho. Bảo để mấy hôm nữa giỗ còn làm cỗ. Gà rừng vốn khó nuôi, nên mới mấy hôm mà nó gầy rộc đi. Thằng út bảo bọn gà này thà chết chứ nhất quyết không ăn đồ người cho đâu. Có lẽ cũng đúng.
Chập choạng tối. Tôi và thằng út qua sông bẫy gà. Mấy người đi đò sôi nổi kể chuyện xã bên có nhà nào đó vừa đẻ hai đứa con dính nhau, được nhà nước tài trợ tiền phẫu thuật, đưa ra Hà Nội rồi. Anh chèo đò chừng ba mươi tuổi, vừa nhún nhảy theo nhịp mái chèo vừa tỉ tê: “Sao con vợ mình không làm bận thế để còn được đi du lịch Hà Nội miễn phí nhỉ? Nhà đấy coi vậy mà sướng”. Tiếng nhao nhao cười đùa, tiếng bàn tán xôn xao. Bình yên không muốn lại muốn gập ghềnh. Hai anh em lắc đầu khó hiểu. Thương họ quá. Những suy nghĩ đơn giản ấy bao giờ mới ra khỏi luỹ tre làng. Mơ một ngày lên phố chỉ để biết phố xá như thế nào.
Chị Hai và anh Ba về muộn. Câu đầu tiên khi vào nhà là: “Có đánh được con gà nào không?”.
Thằng út chỉ cái lồng nhốt con gà ốm nha ốm nhách. Anh Ba gật: “Vậy cũng được rồi”. Tài bẫy gà cho đến bây giờ, xã tôi không ai vượt bố từ khâu làm bẫy cho đến kỹ thuật bẫy sao để không mắc cổ gà. Thằng út đang tập, tuy nhiên ngón nghề ấy còn lâu mới học được. Tiếc là bố đi sớm quá nên chưa kịp truyền.
Đêm buồn chênh chao. Mấy chị em ngồi quanh nồi nước chè đặc quánh. Mẹ múc một bát để lên bàn thờ. Chị Hai bảo bố chỉ thích uống nước chè đồi. Mẹ gật nhưng đồi bán rồi, chè nhà cũng được. Thằng út mang nước chè lên. Vẫn cái dáng ấy, nhanh nhẹn. Mẹ bảo nó càng lớn càng giống bố. Chỉ thích ươm cây chiết cành. Ngày nào cũng bật ti vi xem người ta dạy trồng cây, lúa nào đang năng suất, cây nào thì trồng đất nào... Ngày trước bố cũng thế nên mọi người cứ sụt sịt vì nhớ.
Tôi mơ màng nghĩ đến cái lò sưởi bên kia sông. Những đêm đông khi ngồi bên lò, bố vừa cời than vừa kể chuyện hồi còn trong đơn vị, những buồn vui đời lính. Cứ thấy người ta kể lính khổ, nhưng với bố, được đi bộ đội là niềm tự hào, vui lắm và hạnh phúc lắm. Giờ hội lính của bố chẳng còn mấy người. Phần lớn đều mắc bệnh giống bố. Đó là những ký ức buồn về hội lính mà tôi từng biết.
Mấy chị em tôi dần dà đều rời quê. Những người hàng xóm vẫn ước ao được như chị em tôi. Đứa nào cũng thành đạt. Giấc mơ phố của bố cũng đã thành hiện thực. Chúng tôi ra phố đúng nghĩa của nó. Còn những người khác chỉ mong quê thành phố nhưng biết đến bao giờ. Ngôi nhà cũ vẫn mãi không xây lại dù sau này bán đất đồi có tiền. Mẹ bảo để dành tiền đầu tư cho chất xám. Có lẽ mẹ đúng khi mà đứng ngoài đường nhìn vào, bức tường vẫn nham nhở: “Chị Mai chiều ra xã làm lại sổ hộ khẩu”. “Đất bên ấy phải chia đôi mới làm bìa mới” - những dòng chữ ấy đã được viết từ cách đây hơn chục năm rồi...
T.L